Theo nhận định của giới chuyên gia, phần lớn DN Việt mới chỉ ở giai đoạn khởi động của quá trình chuyển đổi số.
Nếu không bắt kịp chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ bị tụt lại (Ảnh minh họa) |
Tiến lên bắt kịp với thế giới hay tụt hậu?
Đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra khi nhìn vào tốc độ chuyển đổi số của cộng đồng DN Việt hiện nay. PGS. TS Trần Đình Thiên khi nói về bức tranh tổng thể DN Việt Nam đã từng đưa ra nhận định rằng, DN Việt Nam chủ yếu đang ở vị trí nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Mặc dù một khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, tính đến thời điểm này có khoảng 50% DN Việt chuyển sang nền tảng số, thế nhưng đây mới chỉ là những DN mới bắt đầu tiếp cận với các lĩnh vực của nền kinh tế số, hay nói cách khác, mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển hóa mạnh mẽ sang nền kinh tế số, đặc biệt đại dịch Covid-19 hoành hành suốt gần hai năm qua, việc phát triển tiến tới số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh là yêu cầu tất yếu đối với cộng đồng DN, hoặc chấp nhận bị bỏ lại phía sau.
Điều này đã được chứng minh bởi những thương hiệu đã từng “nổi đình nổi đám” trên thế giới như Nokia hay Kodak và nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác. Cái kết của những thương hiệu này là biến mất khỏi thị trường chỉ vì không thể bắt nhịp được với thời đại phát triển mạnh mẽ của mạng lưới kinh tế toàn cầu.
Kodak, hãng máy ảnh một thời được người tiêu dùng toàn cầu nhắc đến với đầy sự mến mộ, thế nhưng khi cơn lốc công nghệ thông tin ập đến, những chiếc máy ảnh cơ một thời đã trở nên tụt hậu được thay thế dần bằng những chiếc điện thoại, máy ảnh thông minh nhiều tính năng. Kodak đã biến mất khỏi thị trường chỉ vì không cập nhật được xu hướng công nghệ mạnh mẽ.
Tương tự, thương hiệu Nokia cũng đã sụp đổ như vậy chỉ vì không chịu chuyển mình theo xu hướng số hóa. Giờ đây, khi cầm trên tay những chiếc điện thoại thông minh với các khả năng “chat, lướt facebook, quay phim, chụp hình...” người tiêu dùng sẽ chỉ hoài niệm về Nokia một thời giống như một thứ “đồ cổ”.
Nokia hay Kodak đều sụp đổ thương hiệu, không còn tồn tại trên thị trường chỉ vì không chịu thay đổi theo thời cuộc. Đó là sự sụp đổ tất yếu mà các DN buộc phải chấp nhận trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ.
Kỳ vọng chuyển đổi nhanh và mạnh
Khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã nhận định: “Ngày nay, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến. Chuyển đổi số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới”.
Nói về những lợi thế mà chuyển đổi số có thể mang lại cho DN, chủ một DN lĩnh vực công nghệ thông tin cho biết, chuyển đổi số đã giúp DN này tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng khi các khâu sản xuất được số hóa đã giảm bớt nhân công cũng như giảm nhiều chi phí khác như chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn, sắp xếp và tìm kiếm tài liệu, lưu trữ, bên cạnh đó số hóa góp phần hỗ trợ hoạt động dễ kiểm soát, lên kế hoạch phát triển kinh doanh...
Nhiều DN cũng đánh giá, giai đoạn “bình thường mới” thực sự là thời điểm để DN nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Mới đây, một gói hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho DN đã được công bố. Gói này nằm trong Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) vừa được công bố vào hôm 22/7 vừa qua. Theo Bộ KHĐT, Chương trình do USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ, nhằm mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Dự kiến trong đợt một, 15 DN được chọn sẽ được đoàn chuyên gia độc lập, nhiều kinh nghiệm của chương trình hỗ trợ khảo sát, đánh giá, tư vấn xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số thành công.
Chương trình hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 DN được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng…
Những động thái này của nhà quản lý mang đến kỳ vọng quá trình chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy nhanh và mạnh trong cộng đồng DN Việt Nam thời gian tới.
Giới chuyên gia đánh giá, 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh và hầu hết trong số đó được kết nối Internet. Nhiều người Việt Nam thậm chí sở hữu hơn hai thiết bị di động kết nối mạng với bình quân là 1,7 thiết bị/người. Cộng thêm sức ép cạnh tranh từ các mô hình kinh doanh số, áp lực chuyển đổi số lên DN Việt Nam cũng rất gay gắt. |
Theo Đại đoàn kết