Lợi nhuận giảm mạnh
Báo cáo tài chính quý II/2021 của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long Group; Mã chứng khoán: NLG) cho thấy lợi nhuận sau thuế trong quý của doanh nghiệp đạt 47 tỉ đồng, giảm mạnh so với hồi quý I/2021 (366 tỉ đồng) và chỉ xấp xỉ 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý II/2021, NLG ghi nhận doanh thu gần 402 tỉ đồng. Cơ cấu doanh thu có nhiều xáo trộn khi mảng xây dựng cùng kỳ chiếm đến 61% thì nay giảm còn 35%, ghi nhận đạt 227 tỉ đồng.
Nguồn thu bán bất động sản (BĐS) cùng kỳ của NLG đóng góp 175 tỉ đồng, tương ứng hơn 26% nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 11% là 69 tỉ đồng. Thay vào đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng gần 12 lần lên 250 tỉ đồng và dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu.
Báo cáo tài chính quý II/2021 của Nam Long Group cho thấy nợ phải trả tăng nhanh. |
Về hoạt động tài chính, doanh thu của NLG giảm mạnh, trong khi chi phí hoạt động tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng.
Các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp gia tăng mạnh khiến Nam Long Group lỗ thuần 32 tỉ đồng.
Tình hình kinh doanh có nhiều biến động nhưng Nam Long Group vẫn có lãi trong quý II/2021 là do lãi từ các công ty liên doanh, liên kết. Đặc biệt là từ Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai - đơn vị phát triển KĐT Waterfront City với quy mô diện tích 170 ha tại xã Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, đại diện Nam Long Group cũng từng lý giải, khoản lợi nhuận đột biến nhờ tăng sở hữu tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai lên 65,1%, nên ghi nhận chênh lệch giá thị trường và giá mua.
Năm 2021 là năm đầu tiên trong chiến lược 3 năm 2021 - 2023 của NLG, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số trung bình mỗi năm trên 85%. Riêng năm 2021, dự kiến doanh thu đạt 4.963 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.367 tỉ đồng.
Hàng tồn kho tăng cao
Việc nắm quyền kiểm soát, hợp nhất vào báo cáo tài chính tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai cũng khiến tổng giá trị hàng tồn kho của Nam Long Group tăng đáng kể.
Cụ thể, giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 30/6 là 14.009 tỉ đồng, tăng 7.940 tỉ so với đầu kỳ. Số hàng tồn kho này nằm chủ yếu ở các dự án: Đồng Nai Waterfront (7.196 tỉ đồng); Dự án Hoàng Nam (2.775 tỉ); Dự án Paragon Đại Phước (1.709 tỉ); Dự án Vàm Cỏ Đông (1.174 tỉ).
Một dự án của Nam Long Group. |
Hàng tồn kho nếu là sản phẩm đã đưa ra thị trường nhưng không được mua bán, không giao dịch, không được thị trường chấp nhận. Thông thường, tỷ trọng hàng tồn kho lớn của doanh nghiệp luôn là mối quan ngại đối với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh thêm của nó hay nói cách khác, nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí dự trữ, chi phí thanh lý hay cải tiến hàng bị lỗi thời và thanh lý hàng hư hỏng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn ảnh hưởng đến tính thanh khoản, là cục nợ, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế, thậm chí làm phá sản doanh nghiệp nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền và giảm nợ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM từng bày tỏ: “Điều đáng lo nhất là đối với hàng tồn kho đưa ra thị trường rồi mà thị trường không chấp nhận, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng”.
Ngay cả sản phẩm BĐS được bán xong, ghi nhận doanh thu, nhưng do nhà đầu tư thứ cấp mua, không sử dụng, cất trữ tài sản, về mặt sổ sách không còn là hàng tồn kho nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, theo ông Châu, ở góc độ nào cũng phải cảnh báo với con số tồn kho BĐS tăng cao. Bởi vì, khi doanh nghiệp muốn kinh doanh theo ý của họ nhưng nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư BĐS không thể nào biết được đó là ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, tồn kho theo kế hoạch hay thực chất là hàng tồn kho không bán được?
Nợ phải trả gần gấp đôi vốn chủ sở hữu
Nợ phải trả của Nam Long Group trong quý II/2021 cũng tăng chóng mặt. Tính tới thời điểm ngày 30/6, nợ phải trả của NLG lên tới gần 10.000 tỉ đồng (tăng gần 2.400 tỉ đồng so với hồi đầu năm). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu là gần 5.651 tỉ đồng (tăng gần 430 tỉ đồng).
Trong gần 10.000 tỉ đồng nợ phải trả của Nam Long Group thì có tới 8.400 tỉ đồng nợ phải trả ngắn hạn (tăng gần 2.400 tỉ đồng so với hồi đầu năm).
Hoạt động bán hàng của Nam Long Group cho thấy người mua trả tiền trước ngắn hạn hơn 2,700 tỉ đồng. Nhưng số nợ phải trả ngắn hạn cho người mua trả tiền trước lên tới hơn 3.800 tỉ đồng.
Lãnh đạo Nam Long Group trong một buổi giới thiệu về cổ phiếu NLG. |
Khoản vay và nợ ngắn hạn của NLG cũng là điều đáng lo ngại ở đạt con số hơn 2.100 tỉ đồng trong quý II/2021. Dữ liệu của Tạp chí Kinh tế Môi trường cho thấy, tính đến hết năm 2020, NLG đang nợ ngắn hạn Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 681 tỉ đồng.
Để có được khoản vay này, Nam Long Group phải thế chấp thửa 2479 - 779 - 226, tờ bản đồ số 5 - 6 xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (nơi có dự án Khu đô thị Waterpoint của Nam Long); Thế chấp 9,5 triệu cổ phiếu của Công ty tại Nam Khang; Số nhà 147-149 Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM.
Ngoài ra, từ việc thế chấp quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An), Nam Long vay ngắn hạn thêm gần 90 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và 70 tỉ đồng từ Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered.
Đối với khoản vay dài hạn, NLG đang phải vay 200 tỉ đồng từ OCB; 200 tỉ đồng từ Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered và gần 90 tỉ đồng từ HSBC… Để có được những khoản vay dài hạn này, NLG phải thế chấp hợp đồng bán dự án và tài khoản tiền gửi, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Dự án Novia (phường Linh Tây, Thủ Đức, TP.HCM).
Thị trường bất động sản năm 2021 tiềm ẩn nhiều rủi ro
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, cổ phiếu NLG chốt ở mức giá 41.500 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với ngày 26/7, khối lượng giao dịch hơn 5 triệu cổ phiếu với giá trị 211,5 tỉ đồng.
Hồi cuối tuần trước, cổ phiếu NLG chốt ở mức giá 39.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 23/7, giảm nhẹ so với ngày 22/7, khối lượng giao dịch vào khoảng 3,5 triệu cổ phiếu với giá trị khoảng 139 tỉ đồng.
Nam Long Group được biết đến là đơn vị phát triển BĐS tại Việt Nam với 20 công ty thành viên. Theo giới thiệu của doanh nghiệp, trong gần 30 năm phát triển, đơn vị đã có hơn 100 dự án BĐS lớn nhỏ trên khắp cả nước.
Trong năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Nam Long Group vẫn tự tin đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 4.963 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.367 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển, thị trường chỉ thực sự cải thiện khi dịch Covid-19 ổn định, người dân có thể đi coi sản phẩm thực tế, dòng tiền bền vững cũng chỉ xuất hiện khi niềm tin vào BĐS mạnh mẽ hơn.
“Nhưng ngoài câu chuyện của dòng tiền, thị trường vẫn sẽ tiếp tục như 'quả bom nổ chậm' vì cách phát triển sản phẩm BĐS hiện nay chỉ dựa trên việc tăng giá đất liên tục mà xa rời giá trị khai thác”, ông Hiển bình luận.
Tại Hội nghị giao ban tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 5/2021 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Lê Thanh Nghị cũng đưa ra nhận định, thị trường BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường BĐS và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường này phát triển một cách ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, báo cáo Vietnam At A Glance định kỳ vào tháng 6/2021, với tựa đề “Cẩn trọng với những rủi ro trong lĩnh vực BĐS” của Bộ phận Global Research - HSBC cũng ghi nhận nỗi lo ngại về khả năng thị trường BĐS sẽ không đóng góp cho các chỉ số kinh tế vốn đang khó khăn.
Theo Kinh tế môi trường