SSI Research vừa có báo cáo phân tích Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Về kế hoạch kinh doanh của ngân hàng, năm nay, SHB lên kế hoạch tăng 52,3% vốn điều lệ lên 26,7 nghìn tỷ đồng thông qua trả 10% cổ tức cổ phiếu năm 2019 (đã thực hiện trong tháng 5), 10,5% cổ tức cổ phiếu năm 2020 (ước tính trong quý 3) và phát hành 539,2 triệu cổ phiếu (28% vốn điều lệ) cho cổ đông hiện hữu tại mức giá 12.500 đồng/cp.
SHB cũng dự kiến giảm giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn 10% từ 30% để chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài – nhưng việc này sẽ thực hiện sau 2021.
Lợi nhuận trước thuế 2021 theo kế hoạch của SHB tăng 78,3% hoặc 87,5% (5,83 nghìn tỷ đồng hoặc 6,13 nghìn tỷ đồng) tùy theo thời điểm hoàn tất việc phát hành cổ phiếu (quý 3/2021 hay Quý 4/2021). Ngân hàng tăng vốn càng sớm, lợi nhuận càng tăng trong năm 2021. Kế hoạch này tương ứng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động 2021 là 14% và 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 của SHB là 8%.
Trước đó, năm 2020, hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng được điều chỉnh 3 lần, lên mức 20% tại thời điểm cuối năm nên ngân hàng kỳ vọng điều tương tự cho năm 2021, đặc biệt là sau khi vốn điều lệ tăng mạnh.
Đánh giá về kết quả kinh doanh quý 1, SSI Research nhận định rất khả quan, với lợi nhuận trước thuế đạt 1,7 nghìn tỷ đồng ( tăng tới 113,5% so với cùng kỳ). Trong đó, tăng trưởng mạnh mẽ về thu nhập lãi thuần ( tăng 32%), thu nhập ngoài lãi (tăng 98%), CIR (chi phí/thu nhập hoạt động) giảm mạnh về mức 34,9% từ 58% trong quý 1/2020.
SSI cho rằng, thu nhập bất thường từ thoái vốn SHB Finance, SHB Lào và SHB Campuchia và thời gian phát hành cổ phiếu sớm hơn ước tính sẽ tác động tích cực tới giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, SSI lưu ý việc nợ xấu và nợ tái cơ cấu của ngân hàng cao hơn ước tính và lãi suất huy động cũng tăng sớm hơn ước tính sẽ ảnh hưởng tới NIM của ngân hàng.
Nhóm phân tích cho rằng, NIM ngân hàng không còn duy trì mức cao như quý 4/2020. So với cùng kỳ 2020, thu nhập lãi thuần (NII) quý 1/2021 tăng 32% do NIM tăng 28 bps lên 2,33%, nhưng mức này đã giảm 122 bps so với quý trước và thấp hơn mức trung bình 2,82% năm 2020. So với quý 4/2020, lợi suất tài sản trung bình giảm 34 bps trong khi chi phí vốn trung bình tăng 93 bps.
Tại thời điểm 31/3/2021, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,89% từ 1,83% (mặc dù nợ cần chú ý giảm nhẹ). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLC) giảm còn 59% từ mức 61,4% do SHB hầu như không trích lập dự phòng trong quý 1 hàng năm. Số dư trái phiếu VAMC và tài sản tồn đọng ở mức 4,8 nghìn tỷ đồng. Nợ tái cơ cấu là hơn 5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 1,7% - 1,8% tổng dư nợ cho vay
SSI dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của SHB sẽ đạt 6,06 nghìn tỷ đồng (tăng 85,5% so với cùng kỳ). Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ hỗ trợ tăng trưởng và giảm nhu cầu huy động vốn.
Năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thúe SHB là 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6%, dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động là 20% và 18% so với cùng kỳ. NIM ước tính giảm 4 bps còn 3,11% và dự báo SHB sẽ xử lý hết trái phiếu VAMC và tài sản tồn đọng vào cuối năm 2022.