Trên thị trường chứng khoán, nhờ hưởng lợi từ câu chuyện chuyển sàn, tăng vốn và kết quả kinh doanh khả quan, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã liên tục tăng trưởng trong thời gian ngắn, thậm chí có những mã cổ phiếu tăng hàng chục phần trăm như ACB, VIB, LPB, SHB...
Cổ phiếu ngân hàng "đua" tăng giá
Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu ngân hàng ACB đứng ở mức 27.300 đồng/cp – xác lập mức kỷ lục mới trong năm. Trước đó, mã cổ phiếu này đã đạt mức cao nhất 26.500 vào thời điểm tháng 4/2020. So với đầu năm (giá tham chiếu), thị giá của ACB tăng 55,6%.
Tại VIB, sau khi ghi nhận mức đỉnh 33.7000 đồng/cp (tháng 10/2020), thị giá cổ phiếu ngân hàng này hiện vẫn giao dịch trong nền giá cao so với những tháng đầu năm. Nếu so với đầu năm, thị giá của VIB hiện tại đã tăng tới 94%.
Tương tự, LPB của LienVietpostbank tăng 79,1%; KLB của KienLongBank tăng 22,2%. Thậm chí như SHB, so với giá tham chiếu đầu năm, giá đóng cửa của cổ phiếu này cuối tuần qua tăng tới 219,75%.
Nhóm các ngân hàng lớn cũng đang có xu hướng tăng trưởng đáng ghi nhận, cổ phiếu ngân hàng VCB đạt 92.500 đồng, tăng gần 6,5%, CTG cũng tăng khoảng 4%, BID tăng 2,23% trong tuần vừa qua.
Lý giải sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngành này, các chuyên gia chứng khoán đánh giá, động lực tăng của cổ phiếu "vua" đến từ làn sóng tăng vốn, chuyển sàn niêm yết.
Theo SSI, năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng TMCP niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức, theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".
Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu niêm yết trên sàn Upcom (Ngân hàng Bản Việt, Nam Á Bank) vào năm 2020, và các ngân hàng lớn hơn có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HOSE (OCB, Maritime Bank, SeaBank) vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Điều thú vị là các ngân hàng không chịu áp lực pháp lý (vì đã niêm yết trên HNX như SHB hoặc đăng ký giao dịch trên UpCom như VIB và LPB trong gần 3 năm) cũng có kế hoạch chuyển sang HOSE trong quý 4/2020, bất chấp các điều kiện thị trường bất lợi do Covid-19.
"Nhu cầu hối thúc chuyển sàn như vậy một phần có thể do áp lực cạnh tranh, vì các ngân hàng khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HoSE. Ngoài ra, điều này có thể là do nhu cầu vốn, vì việc niêm yết trên HoSE có thể cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn", báo cáo của SSI Research đánh giá.
Một yếu tố khác giúp nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng đối với cổ phiếu ngân hàng là kết quả kinh doanh trong quý III nói riêng và cả năm 2020 không xấu như dự đoán. Vừa qua, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với lợi nhuận tăng trưởng mạnh, thậm chí vượt kế hoạch cả năm 2020 như LienVietPostBank và MSB.
Thực tế, chất lượng tài sản các ngân hàng vẫn còn nhiều điểm đáng lo ngại khi Thông tư 01 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến con số tài chính không phản ánh đầy đủ trên báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, với triển vọng tăng trưởng khả quan trong năm sau, định giá vẫn đang ở vùng hấp dẫn, cùng các động lực tăng trưởng riêng, cổ phiếu ngành ngân hàng dự kiến vẫn sẽ tiếp tục là nhóm hỗ trợ xu hướng thị trường trong thời gian tới.
Dự kiến của SSI cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế năm 2020 và 2021 của các ngân hàng niêm yết tăng lần lượt 2,7% và 16,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, ước tính lợi nhuận trước thuế của các NHTM Nhà nước sẽ giảm 6,2% trong năm 2020, và sau đó phục hồi 21,8% trong năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của các NHTM cổ phần dự báo tăng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021.
Trước làn sóng niêm yết, chuyển sàn và kỳ vọng vào triển vọng của ngành ngân hàng đã tác động lên cổ phiếu "vua", trong thời gian gần đây một số lãnh đạo ngân hàng và người đã tích cực "gom" mua cổ phiếu.
Mới nhất, ngày 19/11, tại Ngân hàng OCB, chủ tịch nhà băng này là ông Trịnh Văn Tuấn đã đăng ký mua hơn 16,3 triệu cổ phần OCB bằng phương thức thỏa thuận. Nếu mua xong, ông Tuấn sẽ sở hữu 4,43% vốn của ngân hàng.
Vợ của ông Tuấn là bà Cao Thị Quế Anh cũng đăng ký mua hơn 8,9 triệu cổ phiếu OCB, sau khi mua xong sẽ sở hữu là 2,39%. Sau giao dịch ngày, vợ chồng ông Tuấn sẽ sở hữu gần 7% vốn của OCB. OCB là ngân hàng đang rục rịch kế hoạch lên sàn.
Tại ngân hàng NCB (mã chứng khoán NVB), ông Nguyễn Trần Trung Sơn (con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và bà Trần Hải Anh thành viên Hội đồng quản trị) đăng ký mua 9 triệu cổ phiếu NVB theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Thời gian giao dịch từ 18/11 – 30/11/2020.
Nếu giao dịch thành công, con trai ông Dũng chủ tịch NCB sẽ nắm hơn 18 triệu cổ phần ngân hàng. Hiện ông Dũng giữ 6,5 triệu cổ phiếu NVB còn bà Trần Hải Anh giữ hơn 20,1 triệu cổ phiếu.
Tại TPBank, ngân hàng này đang thực hiện bán cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) và nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đăng ký mua từ ngày 20/11 đến 04/12.
Trong đó, 3 Phó Tổng giám đốc là ông Đinh Văn Chiến, ông Khúc Văn Họa và ông Nguyễn Hồng Quân cùng đăng ký mua mỗi người 200.000 cổ phiếu. Còn 2 Phó Tổng giám đốc khác là ông Lê Hồng Nam và ông Phạm Đông Anh cùng đăng ký mua 225.000 cổ phiếu TPB.
Ngoài ra, Phó TGĐ Nguyễn Việt Anh cũng đăng ký mua 250.000 cổ phiếu và kế toán trưởng Lê Cẩm Tú đăng ký mua 175.000 cổ phiếu.
Trước đó, chi khoảng 170 tỷ, vợ của 2 lãnh đạo VIB đã gom lượng lớn cổ phiếu của nhà băng này.
Cụ thể, vợ ông Hồ Vân Long - Phó Tổng Giám đốc chỉ mua được 2,96 triệu cổ phiếu VIB trong tổng số 3,2 triệu cổ phiếu đã đăng ký trước đó. Giao dịch được thực hiện từ ngày 12/10 đến 11/11, theo phương thức khớp lệnh.
Sau giao dịch, vợ ông Long sở hữu 0,32% vốn ngân hàng. Ngoài ra, ông Long cũng đang nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ nắm giữ là 0,43%.
Bên cạnh đó, bà Lê Diệu Linh - vợ ông Hoàng Linh, Giám đốc Tài chính đã mua 2,4 triệu cổ phiếu, hoàn thành 100% lượng đăng ký. Giao dịch được thực hiện từ ngày 14/10 đến 10/11, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Sau giao dịch, bà Linh đang nắm giữ 2,4 triệu cổ phiếu VIB, tương đương với 0,26% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi ông Hoàng Linh sở hữu gần 133.000 cổ phiếu, tương đương với khoảng 0,014% vốn.
Trong khoảng thời gian kể trên, giá cổ phiếu giao động từ 31.600 đồng/cp đến 33.800 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá chốt phiên thấp nhất, bà Hiền và bà Linh đã chi ít nhất khoảng 93,5 tỷ đồng và 75,8 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Mới đây, gần 1 tỷ cổ phiếu VIB đã được chính thức được giao dịch trên HOSE từ ngày 10/11 với giá tham chiếu 32.300 đồng/cp. Trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu VIB đạt mức 32.800 đồng/cp, tăng 1,5% so với giá tham chiều. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 58 tỷ đồng.