Dự án Western Pearl đang được chào bán tại TP. Vị Thanh |
Bội thực dự án
Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho biết, tính tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 62 dự án bất động sản được chấp thuận cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển dự án.
Với số lượng dự án như trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, địa phương này đang quá nhiều dự án bất động sản. Trong đó, TP. Vị Thanh với dân số khoảng 200.000 người, nhưng được quy hoạch mời gọi 21 dự án bất động sản mới. Tại TP. Ngã Bảy có tới 10 dự án, thị xã Long Mỹ có tới 10 dự án, huyện Châu Thành 12 dự án… Đặc biệt, các dự án đều có diện tích hàng trăm héc-ta với các dòng sản phẩm chủ yếu là nhà phố, đất nền.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại TP. Vị Thanh cho thấy, tại đây đang có nhiều dự án mở bán. Chẳng hạn, dự án Western Pearl với diện tích 78 ha, vốn đầu tư theo giới thiệu là 85 triệu USD, với hơn 3.000 sản phẩm gồm đất nền, nhà phố, biệt thự của Tập đoàn Cát Tường Group. Hay dự án của Công ty Xây dựng dầu khí với hơn 1.000 sản phẩm phân lô bán nền, Tập đoàn Vingroup cũng có khoảng 500 nhà phố, biệt thự tại đây…
Tỉnh sẽ kiểm soát tình trạng phát triển bất động sản, không để giá nhà vượt quá cao so với thu nhập của người dân, đồng thời quản lý chặt chẽ các dự án phát triển nhà ở, đô thị mới để không xảy ra tình trạng huy động vốn, góp vốn trái pháp luật - Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang |
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản T.N.L tại TP.HCM cho rằng, với số lượng dự án lớn như tỉnh Hậu Giang, thì nguồn cung đang vênh với nhu cầu thực rất lớn. Đặc biệt, dân số tỉnh Hậu Giang hiện quá thấp, theo số liệu năm 2019 của tỉnh, thì toàn tỉnh chỉ có 733.017 người, thậm chí số liệu khảo sát dân số năm 2004 của tỉnh là 749.800 người, còn lớn hơn số dân năm 2019.
“Khi kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư sẽ tính toán tới câu chuyện dân số ở khu vực là bao nhiêu, vì dân số nhiều thì nhu cầu nhà ở mới lớn để có thể quy hoạch phát triển thị trường. Thế nhưng, thay vì dân số tăng trưởng hằng năm, thì ở Hậu Giang, dân số lại có chiều hướng giảm, trong khi quỹ đất hiện hữu của địa phương rất lớn. Điều này cho thấy, thị trường này sẽ bội thực nguồn cung rất lớn”, ông Nam nói.
Ngoài các dự án đang mở bán, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tại TP. Vị Thanh hiện cũng có nhiều dự án đang triển khai. Tuy nhiên, ở dự án đã triển khai, lượng người dân xây nhà ở chỉ khoảng 20%, còn lại đất bỏ hoang. Thậm chí, một dự án biệt thự 500 căn, nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó được đưa vào sử dụng.
Giá bất động sản quá cao
Một câu chuyện nữa tại tỉnh Hậu Giang đó là giá bất động sản tại đây hiện quá cao so với thu nhập của người dân. Đơn cử, tại dự án Western Pearl (TP. Vị Thanh), giá mỗi m2 đất tại đây được chủ đầu tư chào bán từ 10,5 - 13 triệu đồng/m2, giá nhà thô xây sẵn hiện từ 4,5 - 5 tỷ đồng/căn diện tích 5x20, cao tương đương với nhiều dự án ở vùng ven và phụ cận TP.HCM.
Trong khi đó, theo số liệu từ UBND tỉnh Hậu Giang, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của tỉnh là 1.935 USD, tính ra thu nhập bình quân mỗi tháng của người dân Hậu Giang chưa tới 4 triệu đồng/người. Điều này cho thấy, thu nhập người dân và giá bất động sản đang vênh nhau khá lớn.
Những dự án bất động sản vắng bóng người ở |
“Khách đa phần là dân đầu tư, đầu tư tại đây hiện có nhiều lợi thế để có lợi nhuận. Trong đó, mỗi lần mở bán, chủ đầu tư sẽ đẩy giá lên vài phần trăm, như vậy biên độ lời cho nhà đầu tư đã có”, Toàn nói.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà toàn bộ khu hành chính của dự án rộng hàng chục héc-ta, được phân lô bán nhưng không có người ở. Tại các dự án nhà phố xây sẵn cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, vì không có người dân ở, dù đều đã có chủ.
Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, việc các doanh nghiệp quá chú trọng vào khâu bán làm sao hết hàng, nguồn khách hướng chủ yếu vào nhà đầu tư thứ cấp mua để bán lại chứ không phải khách mua ở thực sẽ tạo ra một khu dự án không bóng người và hoàng tàn. Câu chuyện này đã diễn ra tại nhiều địa phương trước đó như tại Thành phố Mới Bình Dương, hay đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), khu hành chính mới TP. Tân An (tỉnh Long An)…
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, tỉnh đang có nhu cầu phát triển các dự án bất động sản đa chức năng và bất động sản đô thị sinh thái kết hợp sân golf đa chức năng và bất động sản công nghiệp trong thời gian tới. Phát triển đô thị là điều tất yếu, quyết định thành công của việc phát triển kinh tế của tỉnh.
“Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận rằng, số lượng các đô thị dù đảm bảo số lượng, nhưng chất lượng, quy mô và tính liên kết của các đô thị và dự án bất động sản chưa đạt kỳ vọng để phát triển tỉnh. Ngoài ra, việc thu hút người dân về sông tại tỉnh và sống tại các dự án bất động sản đã triển khai cũng chưa hiệu quả, các dự án vẫn chưa nhiều người ở”, ông Châu nói.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, với các dự án bất động sản hiện nay, việc phát triển cũng phải lấy con người làm trung tâm, nhằm cải thiện đời sống vật chất con người cho người dân. Phát triển đô thị phải bền vững thích ứng với tự nhiên, cân bằng các yếu tố cơ sở hạ tầng, không gian đô thị. Không phát triển ồ ạt, vượt quá nhu cầu thực tiễn gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới dư địa phát triển của thế hệ mai sau.
“Tỉnh sẽ kiểm soát tình trạng phát triển bất động sản, không để giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân, đồng thời quản lý chặt chẽ các dự án phát triển nhà ở, đô thị mới để không xảy ra tình trạng huy động vốn, góp vốn trái pháp luật”, ông Châu nói.
Theo Gia Huy/Báo Đầu tư Bất động sản