Thời Covid 19, vốn ngân hàng vẫn đổ mạnh vào bất động sản

NHVN 17:44 20/05/2020

Riêng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của hệ thống, tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (khách hàng vay mua nhà để ở...).

Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao

Ngày 20/5, chia sẻ tại hội thảo "Lựa chọn chính sách phục hồi kinh doanh Việt Nam giai đoạn Covid-19" do trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức tại TP HCM, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 1,2%.

Riêng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng tín dụng lại giảm 0,8% phản ánh bức tranh khó khăn của doanh nghiệp khi không biết vay vốn để làm gì. Dưới tác động của đại dịch, những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có tiềm lực tài chính hạn chế đã rơi vào tình trạng khó khăn.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tạm tính đến cuối tháng 3, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm trước. Riêng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của hệ thống, tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (khách hàng vay mua nhà để ở...).

Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của hệ thống. Ảnh minh họa.

Cụ thể, đến cuối tháng 3, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm ngoái và chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 62,43% tổng dư nợ cho vay bất động sản.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã được yêu cầu tập trung phân bổ nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Cụ thể, cơ quan quản lý yêu cầu ngân hàng thương mại tiếp tục áp áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên mức 200%, tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ 4 tỉ đồng trở lên, giảm dần theo lộ trình tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với kinh doanh bất động sản...

Kết quả, tỉ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ lĩnh vực này ngày càng giảm. Nếu cuối năm 2017, tỉ lệ này là 45,63% thì đến cuối năm 2019 đã giảm về 32,95%.

Dư địa của thị trường bất động sản vẫn còn rất lớn

Nhận định chung về thị trường bất động sản thời gian tới, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, trong bất cứ thị trường nào cũng đều tồn tại hai mặt cơ hội và rủi ro. Trong bối cảnh thị trường sắp tới cũng vậy, sẽ có sự đan xen giữa khó khăn và cơ hội. Nhìn từ kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, cho thấy, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ phục hồi sau khi kết thúc dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn sẽ quay lại thị trường và doanh nghiệp phát triển dự án sẽ tiếp tục đưa ra các chiến lược phát triển mới.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CenGroup cho hay, trong mùa dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, vấn đề quan trong là doanh nghiệp phản ứng như thế nào cũng như làm sao để duy trì được hoạt động của mình.

Mỗi doanh nghiệp đều có một phương án khác nhau, có doanh nghiệp “ngủ đông”, có doanh nghiệp gồng mình lên để chịu đựng hoặc chịu sức nén để bật dậy khi dịch đi qua. Phương án nào cũng cho thấy động lực để mỗi doanh nghiệp, doanh nhân bền bỉ hơn, vững chắc hơn và kiên cường hơn bao giờ hết.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CenGroup.

Cũng theo ông Hưng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có những sản phẩm bất động sản dừng giao dịch nhưng vẫn có sản phẩm duy trì giao dịch như sản phẩm nhà ở thu nhập thấp, nhà ở chung cư giao dịch có thấp hơn trước đây, sản phẩm biệt thư liền kề vẫn giao dịch bình thường.

Ở những sản phẩm này, những nhà đầu tư có tầm nhìn rộng họ vẫn tranh thủ cơ hội khuyến mại giảm giá trong mùa dịch hoặc họ nhận thấy ý nghĩa của việc phải có một môi trường sống tốt, đảm bảo sức khoẻ.

Mặc dù số liệu của Bộ Xây dựng, của Hội Môi giới bất động sản cũng cho thấy lượng giao dịch của toàn thị trường giảm rất sâu tới 30% và có tới 80% sàn đóng cửa. Nhưng có thể thấy 20% sàn giao dịch còn lại vẫn tồn tại và đảm bảo duy trì lượng giao dịch cũng như tiếp quản được thị trường và thực hiện giao dịch thành công.

Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Hưng cho biết: “Tất cả những xáo trộn bởi dịch Covid-19 sẽ qua đi, nhà đầu tư cũng quên đi như chưa từng có Covid-19. Bởi thực tế, rất nhiều lần chúng ta đã gặp phải khủng hoảng về kinh tế, khủng hoảng thiếu thừa xảy ra rất nhiều. Do đó, các nhà đầu tư luôn sẵn sàng trong mọi trường hợp.

Nếu có xảy ra rủi ro, với nhà đầu tư lướt sóng, họ có cảm nhận rất nhanh họ sẽ đầu tư và lướt ngay lập tức còn có những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, tích luỹ năng lực, thì họ quan điểm rằng dòng tiền vận động mới là quan trọng. Như vậy, với mỗi nhà đầu tư đều có quan điểm riêng nên có động thái khác nhau, vấn đề chính là họ biết rằng họ đầu tư để làm gì, sẽ có rủi ro gì và cách họ ứng phó với rủi ro ra sao”.

Theo ông Hưng, Việt Nam sẽ không có chuyện suy thoái về bất động sản, nếu có thì đó là nói về thị trường tài chính thì đúng hơn, trong đó bất động sản là một công cụ về tài chính.

Ông Hưng dự báo, thị trường bất động sản còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong 10 - 20 năm, thậm chí là 30 năm nữa. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội so với các quốc gia trong khu vực về dân số, tăng trưởng GDP, chưa kể có nguồn nhu cầu lớn ở nước ngoài kể từ khi Việt Nam mở cửa cho người nước ngoài mua nhà. Những yếu tố đó đem lại cho rất nhiều nhà đầu tư sự “hưng phấn” khi đầu tư tại thị trường bất động sản Việt Nam

Bên cạnh đó, thói quen của các ngân hàng Việt Nam thường sử dụng công cụ vay có thế chấp rất nhiều, vay tín chấp rất ít nên nhiều khoản vay giải ngân của ngân hàng cũng phụ thuộc vào tài sản đảm bảo chứ không phụ thuộc vào phương án kinh doanh và uy tín của người đi vay.

Do đó đa số các tài sản thế chấp hiện nay đều là bất động sản. Đây là câu chuyện khác nếu có xảy ra đổ vỡ thì liên quan chủ yếu đến thị trường tài chính chứ không phải là thị trường bất động sản.

Bạn đang đọc bài viết Thời Covid 19, vốn ngân hàng vẫn đổ mạnh vào bất động sản tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn