Trong thời gian vừa qua, bất động sản đang là vấn đề “hot” được giới đầu tư và người mua nhà quan tâm. Rất nhiều dự án được nhà đầu tư quan tâm và săn đón khiến cho giá đất nền, sản phẩm bất động sản liên tục tăng giá. Bên cạnh những dự án bất động sản tiềm năng thì lại có những dự án “treo” nhưng lại được rao bán rầm rộ, quảng cáo không đúng với thực tế, Five Star Hà Đông cũng là một trong những dự án đó.
Theo các thông tin giới thiệu, dự án Five Star Hà Đông tọa lạc tại số 4 đường Chu Văn An, quận Hà Đông, Hà Nội do Tập Đoàn GFS là chủ đầu tư. Quy mô dự án bao gồm 2 tòa tháp cao 33 tầng trong đó có 2 tầng hầm thông suốt và 3 tầng thương mại, văn phòng, dịch vụ... Tổng mức đầu tư là 2.500 tỷ đồng.
Dự án Five Star Hà Đông trên googmap |
Nhà đầu tư sẽ tìm được khá nhiều thông tin về dự án, nhưng thực tế địa chỉ số 04 đường Chu Văn An (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) là trụ sở hoạt động của Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Bộ Công Thương.
Địa chỉ dự án Five Star Hà Đông là vị trí của Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) |
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy hiện doanh nghiệp này vẫn hoạt động và làm việc bình thường. Không có thi công hay biển, bảng, dấu hiệu nào cho thấy đây là địa điểm thực hiện dự án Five Star Hà Đông.
Tuy nhiên, trên website http://www.gfs.com.vn/ chính thức của Tập đoàn GFS, dự án Five Star được quảng bá như một dự án hàng đầu tại khu vực phía Tây Hà Nội.
Thậm chí, trên trang http://fivestarhadong.net.vn/, dự án này còn được nhà quảng cáo đưa lên tầm “tương lai” với tiến độ thi công vượt bậc. Tòa nhà đang được tiếp tục tiến hành hoàn thiện với các hạng mục cơ điện, xây trát bên trong tòa nhà và sẽ cất nóc tầng 28 trong thời gian tới. Đi kèm theo đó là tiến độ dự án đang được triển khai rầm rộ.
Nhiều thông tin khẳng định về tiến độ dự án mặc dù vẫn chưa được khởi công. |
Trao đổi cùng PV, bà Nguyễn Thị H. người dân sống tại đây cho biết, gia đình bà sống ở đây cũng 15 - 20 năm rồi nhưng chưa hề nghe tin về dự án nào có tên là Five Star. Quanh địa bàn hiện này chỉ có chung cư Samsora kia thôi (tọa lạc tại 105 Chu Văn An, đối diện số 4 Chu văn an) chứ làm gì có cái nào là five star.
Từ những thông tin trên có thế thấy, Dự án Five Star Hà Đông dù được quảng cáo rầm rộ, nhưng thực tế chưa có dấu hiệu hình thành, hay triển khai.
Do vậy, nhà đầu tư cần cảnh giác với các thông tin tư vấn, chào bán nhà đất tại dự án này, để tránh ngậm phải “trái đắng”?
Cú “áp phe” của GFS Group?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Máy kéo công nghiệp (TAMAC) cung cấp những thông tin về dự án Five Star Hà Đông.
Dự án Five Star Hà Đông là dự án liên danh giữa Công ty TNHH MTV Máy kéo công nghiệp (TAMAC) và Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất – CIRI (hay còn gọi là GFS Group).
Theo đó, thông qua hợp đồng nguyên tắc từ năm 2010, hai bên đã thành lập 1 pháp nhân chung là Công ty TNHH Năm Sao Hà nội.
Theo ông Tiến, dự án Five Star hiện tại đang tạm dừng triển khai do nhiều nguyên nhân: Trong đó, có nguyên nhân từ việc chờ kết quả xác minh của C03 thuộc Bộ Công an và một số cơ quan khác.
“Sau khi xem xét về dự án thì bản thân quá trình tiếp diễn từ 2010 đổ về đây người ta không nói là sai. Mà nói là chưa chặt chẽ. Và đề nghị 2 bên xem xét lại. Việc 2 bên thành lập liên doanh chung khai thác là có thật. Hiện tại là chưa triển khai vì lý do đợi kết luận của cơ quan chức năng. Hiện tại 1 số văn bản làm việc của 2 bên thì Công ty CIRI cũng trả lời là chờ kết luận của Công an C03 thì mới làm việc tiếp” - ông Tiến cho biết.
“Chúng tôi đã báo cáo với tổng công ty và với bộ. Tổng công ty cũng thường xuyên có ý kiến chỉ đạo đúng pháp luật. Chúng tôi xin phép hiện không cung cấp bằng chứng. Nhưng tất cả các văn bản của Bộ công thương, Bộ xây dựng chúng tôi đều có đồng ý về chủ trương, việc di dời. Nhưng hiện tại đang dừng vì các cơ quan ban ngành Hà Nội cần xem xét lại rõ trách nhiệm giữa các bên. Trong văn bản có hết rồi nhưng triển khai tạm dừng về mặt thực tế, chứ không phải lý thuyết, vì 2 bên đã kí kết hết rồi” - ông Tiến khẳng định.
Về tiến độ hoàn thành Five Star Hà Đông, ông Tiến cho biết hiện chưa rõ được thời hạn, nhưng theo giấy chứng nhận đầu tư của BQL KCN Bắc Ninh cấp cho công ty, thì hết quý 1.2023 bắt buộc TAMAC phải hoàn thành việc chuyển từ Hà Đông sang Bắc Ninh. Và dù dự án đã tạm dừng từ năm 2018, thì lãnh đạo này vẫn liên tục khẳng định tất cả các giấy tờ cho dự án đã hoàn thành rồi.
Cụ thể, theo ông Tiến, toàn bộ pháp lý và pháp triển dự án dự án Five Star Hà Đông đều do Tập đoàn GFS triển khai. Còn TAMAC chỉ có vai trò góp vốn theo giá trị tài sản gắn liền trên đất, như nhà cửa, công xưởng tại đây. Đất này là nhà nước cho thuê nên không được định giá vào tài sản doanh nghiệp.
“Sau khi được TP Hà Nội chấp nhận thì bàn giao việc cho thuê đất này cho liên doanh, và liên doanh phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì dự án này mới được xây”. - ông Tiến nhấn mạnh.
TAMAC lấy tiền đâu xây trụ sở mới?
Được biết, TAMAC đã có chủ chương di dời trụ sở và cơ sở sản xuất sang Từ Sơn, Bắc Ninh với hạn chót đến 2023. Như trên đã dẫn, TAMAC sẽ góp vốn vào dự án bằng cơ sở vật chất hiện có (nhà cửa, công xưởng). Sau đó sẽ phá đi để xây dựng dự án Five Star Hà Đông.
Thực tế, theo ghi nhận của PV, cơ sở vật chất thuộc sở hữu của TAMAC đều đã cũ kỹ, tức là giá trị còn lại rất thấp. Điều đó có nghĩa vốn góp của TAMAC trong liên doanh Five Star Hà Đông, nếu chỉ bằng giá trị hạ tầng cũ, sẽ rất thấp. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này chỉ có thể nắm phần vốn thiểu số trong liên doanh.
TAMAC dự kiến di dời để dành vị trí cho Five Star Hà Đông |
Chuyển về Bắc Ninh và phải đầu tư rất lớn mới có thể tiếp tục sản xuất, không hiểu TAMAC sẽ xoay xở thế nào khi giá trị nhà xưởng đã góp vào liên doanh, và đất sản xuất thì không còn ? Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc VEAM này đã liên tục thua lỗ trong thời gian dài, lại chịu ảnh hưởng chung trong đến các sai phạm của lãnh đạo Tổng công ty mẹ.
Những toà nhà và cơ sở vật chất của TAMAC đều có thâm niên từ lâu, liệu có được định giá cao? |
Vào thời điểm tháng 8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các ông: Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp. Khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc VEAM. Cả 4 bị can bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6.2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế. (Ngày 10/12/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định. Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định).
Về phía TAMAC, tính đến thời điểm ngày 1/1/2018, công ty này được xác định đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm vốn hơn 36,1 tỷ đồng. Đây là cũng là thời điểm, dự án Five Star Hà Đông tạm thời đóng băng.
Thế nhưng, lãnh đạo TAMAC thì vẫn khẳng định dự án đã được phê duyệt, chỉ "đợi" cơ quan chức năng trả lời để được triển khai, nhưng đợi tới bao giờ thì chính lãnh đạo TAMAC cũng chịu, không trả lời được.
Vậy thì các thông tin tích cực quảng bá dự án trên giấy với tương lai vẫn còn bỏ ngỏ mang tên “Five Star Hà Đông” có phải do GFS tự phát ra ? Và nếu dự án Five Star Hà Đông "đóng băng" vô hạn định, thì quảng bá ấy có trở thành... lừa đảo ?.
Ngày 25/12/2020, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo đưa ra tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, thời hạn phải hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án là tới hết năm 2020 (trường hợp phải kéo dài, không quá nửa đầu năm 2021). |
Còn nữa
Theo Doanh nhân Việt Nam