Nhiều năm qua, thị trường nhà ở tại Việt Nam, nhất là tại những thành phố lớn như TP HCM và Hà nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế chịu nhiều tổn thương do dịch COVID-19 tàn phá 2020-2021, giá nhà vẫn tăng trung bình 3-7% ở các phân khúc, theo thống kê của Colliers Việt Nam.
Khoảng hai năm trở lại đây, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) liên tục lên tiếng về việc TP HCM thiếu nhà ở giá rẻ trầm trọng nhưng giỏ hàng nhà ở hạng sang liên tục được các chủ đầu tư đưa ra thị trường.
Hiện nay, TP HCM gần như không còn sản phẩm nhà ở và căn hộ bình dân (dưới 1.000-1.500 USD/m2). Phân khúc tầm trung (dưới 2.000 USD/m2) cũng không còn xuất hiện nhiều.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, làn sóng người lao động bỏ về quê ngay khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ một phần do nhu cầu nhà ở không đủ đáp ứng cho người dân. Trước thực trạng này, TP HCM cũng vừa đưa ra kế hoạch phát triển một triệu nhà giá rẻ dành cho người lao động.
Trong bối cảnh giá nhà tăng, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vốn dĩ chuyên phát triển dự án hạng sang bất ngờ công bố chiến lược tham gia phân khúc nhà ở giá trẻ.
Trong đó, Tập đoàn APEC (APEC Group) thành lập Tổng công ty Đầu tư – Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam - Happy City (AHC) có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, qua đó đầu tư 10 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) 5 sao mang thương hiệu Happy City. Thời gian triển khai dự kiến trong giai đoạn 2021-2030.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Apec Group, cho biết doanh nghiệp sẽ phát triển dự án chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM và các thành phố trực thuộc trung ương và những tỉnh thành tập trung các khu công nghiệp lớn.
Riêng tại Hà Nội và TP HCM, các khu đô thị sẽ có quy mô 100-300 ha với giá bán 12-18 triệu đồng/m2. Còn các tỉnh thành khác quy mô 50-100 ha với giá bán 8-14 triệu đồng/m2.
Cuối năm 2021, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) - doanh nghiệp gắn liền với các dự án hạng sang tại Thủ đô - bất ngờ công bố chiến lược phát triển phân khúc nhà ở xã hội do danh nghiệp hợp tác với đối tác Hàn Quốc - SH.
Từ năm 2022, song song với việc phát triển những căn hộ cao cấp, Tân Hoàng Minh sẽ thực hiện xây dựng nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp.
Bước đầu doanh nghiệp sẽ khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất bê tông, phục vụ cho công ty xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam. Nhà máy này có thể đưa ra hàng triệu m2 sàn mỗi năm, với giá thành rẻ hơn 40-60% so với giá xây dựng thông thường.
Sau khi hoàn thiện xây dựng, nhà máy sẽ triển khai sản xuất, phục vụ thi công cho hàng loạt các khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp của Tân Hoàng Minh tại Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Hòa Bình hay Long An, Bình Thuận,…
Gần đây nhất, CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group), CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) bắt tay làm hàng triệu nhà ở vừa túi tiền tại TP HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ xây dựng khoảng 100.000 căn với giá bán dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Mức giá có thể thấp hơn nếu doanh nghiệp nhận được các ưu đãi về tiền sử dụng đất, lãi suất,...
Nói về lý do tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh chia sẻ: "Những năm qua và đặc biệt trong năm 2020 và 2021 khi đất nước chịu tác động kéo dài từ đại dịch COVID-19, đời sống của toàn xã hội đều bị ảnh hưởng, nhất là những công nhân, người lao động phổ thông.
Trong đó, hàng chục nghìn người chưa có nhà ở đã buộc phải rời bỏ các tỉnh, thành phố lớn quay về quê hương với bao khó khăn chồng chất. Trải qua đại dịch, bài toán nhà ở vừa túi tiền dành cho người có thu nhập thấp lại càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay và một tinh thần quyết liệt, quyết tâm cùng tìm ra lời giải."
Trước đó vào giữa năm 2018, một tập đoàn BĐS chuyên phát triển phân khúc trung và cao cấp từng công bố sẽ tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ với mục tiêu xây dựng các căn nhà có diện tích tối thiểu 30 m2/căn và giá bán từ 200 triệu đồng.
Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp triển khai tại ba địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn, tập trung đông đảo lao động nhập cư gồm Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch này đang vẫn bỏ ngỏ.
Làn sóng nhiều doanh nghiệp BĐS tham gia phát triển nhà ở cho người lao động được đánh giá thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Thế nhưng từ kế hoạch tới thực tiễn vẫn cần có nhiều sự tham gia đóng góp và nguồn lực chung của cả xã hội, trong đó có vấn đề quỹ đất.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), cần xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ hướng đến xã hội hóa. Bên cạnh đó, cũng cần giảm thuế VAT và triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người mua NOXH, nhà ở thương mại giá rẻ.
Ngoài ra, Chủ tịch Nam Long cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng NOXH bởi việc triển khai thủ tục đầu tư dự án hiện nay đã mất khoảng 2-3 năm, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân là cấp thiết.