Thời điểm chín muồi của bất động sản sau giãn cách

NHVN 19:48 30/09/2021

Thị trường bất động sản (BĐS) vừa có một khoảng thời gian thử thách dài gần như bất động bởi đại dịch. Sau đợt giãn cách, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, đây là một tia hy vọng của thị trường

Thị trường BĐS gần như “bất động”

Do thời điểm dịch lây lan với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận tại một số tỉnh thành trên đất nước; Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, tạm dừng tất cả các hoạt động không cấp bách, đã khiến cho thị trường BĐS gần như “bất động”.

Theo báo cáo mới công bố của Bộ Xây dựng, từ cuối tháng 4, dịch bệnh kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước khiến các sàn giao dịch BĐS chưa kịp phục hồi hoàn toàn, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Tính đến nay, hầu như chỉ còn các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án là tiếp tục duy trì hoạt động theo phương thức bán hàng trực tuyến. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Số liệu trong quý II của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, bằng khoảng 20% so với quý trước, còn con số này tại TP.HCM là 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước.

Đối với các chủ đầu tư, họ đang chật vật tìm đầu ra. Một số người trong trạng thái kẹt tiền, cần phải tìm được người có thành ý mua, nhằm mục đích giải quyết khó khăn tài chính nhưng giai đoạn này không dễ. Bởi lẽ, ở nhiều nơi làm hoạt động kinh doanh sản xuất đình trệ. Điều này dẫn đến các dự án BĐS có thể chậm tiến độ do thiếu nhân lực.

Cùng với đó là thiếu nguồn cung nguyên vật liệu do chậm trễ trong quá trình vận chuyển, cung ứng và do nguồn sản xuất bị trì hoãn. Quan trọng hơn, quá trình thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài do các cơ quan nhà nước hoạt động dưới 50% công suất và đang trong giai đoạn chuyển đổi số, không nhận hồ sơ trực tiếp…

Còn người mua thì sao? Một nguyên nhân khiến người mua vắng bóng, cũng xuất phát từ thực tế điều kiện di chuyển, khảo sát thị trường khó khăn do một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Mặt khác, có thể người mua muốn sở hữu BĐS đẹp nhưng vẫn cảm thấy áp lực do nguy cơ suy giảm thu nhập trong tương lai.

Không những thế, hàng loạt các nhân viên môi giới BĐS cũng sẽ gặp cảnh thất nghiệp. Nhiều người phải chọn ngả rẽ chẳng liên quan đến nghề BĐS để có chi phí lo cho cuộc sống và thích ứng trong dịch bệnh.

Nếu nhìn vào thời điểm trước giãn cách, khách hàng có thể vẫn rất lạc quan và còn nhiều nhu cầu. Nhưng 3 tháng vừa qua, rất nhiều người phải làm việc ở nhà, thậm chí không còn tiếp tục công việc như trước. Họ sẽ phải suy nghĩ rất thận trọng, kể cả mua để ở hay mua để đầu tư.

Bản thân chủ đầu tư khi chào bán cũng phải cẩn thận thăm dò nhu cầu trên thị trường và dần dần họ mới dám đưa ra những sản phẩm với quy mô lớn.

Thị trường BĐS có khả năng khôi phục lại

Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những đợt giãn cách xã hội tưởng chừng kéo dài vô tận, rất nhiều nhu cầu bị dồn nén từ các nhà đầu tư, trong đó có cả những người đã từ chối đầu tư kể từ năm ngoái. Nhưng nhờ vào vaccine, mọi người đã ít sợ hãi hơn so với đợt phong tỏa đầu tiên. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy trở lại nhu cầu đầu tư và mua BĐS.

Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam cho biết: “Khi các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS sẽ phát triển, có sự bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định.

Thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh. Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường”.

BĐS nghỉ dưỡng sẽ tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, nếu Chính phủ triển khai gói hỗ trợ lãi suất hoặc có các chương trình hỗ trợ dành cho chủ đầu tư BĐS, bao gồm nới lỏng các điều kiện cho vay, hỗ trợ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng… sẽ giúp các chủ đầu tư tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn.

Việc giảm giá vốn sẽ gián tiếp tạo cơ hội giảm giá thành và tăng cơ hội tham gia vào thị trường của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thông qua đó, giải quyết được một phần vấn đề về chênh lệch cung cầu ở nhiều địa phương.

Dịch bệnh tuy khiến thị trường có phần chậm lại nhưng cũng là thời điểm vàng để khách hàng sàng lọc các dự án, nhận diện được các chủ đầu tư có tiềm lực, dễ dàng lựa chọn được các sản phẩm có giá hợp lý, tận dụng được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng cũng như các chương trình khuyến mãi, chiết khấu.

Chính vì vậy, trong giai đoạn khó khăn 2021 - 2023, xu hướng đầu tư an toàn sẽ lên ngôi trong tâm lý người mua BĐS. Lựa chọn này cần các sản phẩm có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng.

Theo kinh tế môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/thoi-diem-chin-muoi-cua-bat-dong-san-sau-gian-cach-59879.html

Bạn đang đọc bài viết Thời điểm chín muồi của bất động sản sau giãn cách tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản