Ngoài Thaco, ai là chủ nợ của HAGL Agrico?

NHVN 11:50 09/09/2021

Sau 6 tháng đầu năm 2021, lỗ luỹ kế của HAGL Agrico tăng lên gần 2.500 tỷ đồng, tình hình kinh doanh tồn tại yếu tố nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico; MCK: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên với doanh thu 512 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ, khoản lỗ ròng gần 122 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước công ty báo lãi hơn 10 tỷ đồng.

Giải trình về khoản lỗ này, HAGL Agrico cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói, đặc biệt là chi phí vận chuyển tăng so với năm 2020. Đồng thời trong kỳ 6 tháng đầu năm, công ty thực hiện trích lập dự phòng một số khoản phải thu.

Trong khi đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 chủ yếu đến từ việc hoàn nhập chi phí thuế đã trích vào các năm trước 156 tỷ đồng.

Hiện, HAGL Agrico lỗ luỹ kế hơn 2.428 tỷ đồng, cùng với việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, doanh nghiệp ghi nhận dư nợ 14.658 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn với gần 10.276 tỷ đồng. Những yếu tố trên và việc vi phạm một số điều khoản vay trong kỳ, đơn vị kiểm toán cho biết HAGL Agrico tồn tại yếu tố cho thấy nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Do đó, báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2021 được lập trên giả định hoạt động liên tục, trong đó HAGL Agrico sẽ có thể sử dụng được tài sản và thanh toán các khoản nợ trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.

Tại ngày lập báo cáo, doanh nghiệp cho biết đang trong quá trình triển khai các dự án để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, kết hợp tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên cho vay để điều chỉnh các khoản bị vi phạm trong hợp đồng liên quan.

Những chủ nợ của HAGL Agrico

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của HAGL Agrico đạt 22.827 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 5.809 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn. Tài sản dài hạn hơn 17.018 tỷ đồng, phải thu dài hạn chiếm hơn 4.601 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ, công ty nông nghiệp này đang vay nợ tài chính tới 12.020 tỷ đồng, trong đó 8.255 tỷ đông vay ngắn hạn và 3.766 tỷ đồng vay dài hạn. Các khoản vay nợ tài chính của HAGL Agrico gồm vay nợ ngân hàng, trái phiếu và vay các bên liên quan.

HAGL Agrico vay nợ tài chính hơn 12.000 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của HNG là Thagrico với khoản vay ngắn hạn 6.282 tỷ đồng. Vay các bên liên quan, HAGL Agrico còn vay CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAG của bầu Đức 2.138 tỷ đồng, công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi) thuộc Thaco Group 66 tỷ đồng.

Đối với khoản vay ngân hàng, loạt ngân hàng sau cho HAGL Agrico vay gồm TPBank cho vay gần 600 tỷ, HDBank 560 tỷ, BIDV 1.229 tỷ, Sacombank 262 tỷ, ngân hàng Liên doanh Lào Việt 684 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty nông nghiệp này vay nợ 200 tỷ trái phiếu từ CTCP Chứng khoán Tiên Phong. Khoản vay này dùng để đầy tư vào công ty Bò sữa Tây Nguyên - công ty con của HAGL Agrico, có cùng thành viên HĐQT. Đến 30/6, nhóm Công ty (HAGL Agrico và các công ty con) đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Bò sữa Tây Nguyên cho Thagrico.

Tính đến ngày 30/7/2021, nhóm Thaco nắm giữ 38,38% HNG và nhóm HAGL nắm 16,34% vốn HNG.

Trong BCTC hợp nhất soát xét, doanh nghiệp này nhắc đến các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ. Cụ thể, vào ngày 23/7, HĐQT của HAGL Agrico đã thông qua việc dừng thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ và bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.

Theo đó, nhóm Công ty sẽ dừng kế hoạch chào bán dự kiến 741 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Thagrico, trong đó bao gồm chào bán 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ và 191 triệu cổ phiếu để bổ sung vốn hoạt động như đã công bố trước đây.

Ngoài ra, vào ngày 31/7, HĐQT của Công ty đã thông qua việc sẽ dùng các khoản phải thu từ việc thanh lý các khoản đầu tư cho Thagrico với tổng số tiền 6.030 tỷ để cấn trừ với các khoản nợ phải trả bao gồm các khoản nợ vay và các công nợ phải trả khác với Thagrico.

Nhóm Công ty và Thagrico đang trong quá trình làm việc để thống nhất phương án xử lý các khoản công nợ phải thu và phải trả này giữa hai công ty.

Kế hoạch quý III của HAGL Agrico

Với tình hình đó, HNG đặt mục tiêu quý III/2021 sản lượng cây thu hoạch đạt 24.586 tấn, tăng 40% so với quý II/2021 (17.562 tấn). Trong đó, chuối chiếm 22.453 tấn, dứa 165 tấn, khai thác mủ cao su dự kiến 1.500 tấn mủ. Doanh thu quý III/2021 ước đạt 353 tỷ đồng.

HNG cũng cho biết, trong quý III sẽ thực hiện nghiệp vụ cấn trừ công nợ số tiền chuyển nhượng 4 công ty với khoản tiền HNG nợ Thagrico, đồng thời thực hiện thanh toán nợ giữa 4 công ty (đã bán cho Thagrico) với HNG để giảm tối đa dư nợ vay của HNG. Dự kiến sau khi cấn trừ, tổng nợ phải trả chỉ còn 7.359 tỷ đồng, chiếm 47% trên tổng tài sản (tại quý II/2021 là 65%).

Hiện nay, tiến độ của dự án sân bay NongKhang đã hoàn thành hơn 92%, tuy nhiên do thực tế phát sinh một số khối lượng công việc so với hợp đồng và do dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tiến độ hoàn tất chậm hơn dự kiến. HNG cho biết sẽ gấp rút phối hợp với các nhà thầu để sớm hoàn tất dự án và tiến hành bàn giao cho Chính phủ Lào.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/ngoai-thaco-ai-la-chu-no-cua-hagl-agrico-a526903.html

Bạn đang đọc bài viết Ngoài Thaco, ai là chủ nợ của HAGL Agrico? tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp