Là những việc Bộ Tài chính làm để chấn chỉnh các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Hủy bỏ kết quả đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp
Trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, DN. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật...
Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Qua các đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Bên cạnh việc xử phạt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.
Mới đây nhất, ngày 4/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc huỷ bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; ngày 3/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty trên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Kiểm tra công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết
Bộ Tài chính vừa yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
Bộ Tài chính cho biết, việc kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm được thực hiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, nhằm giúp cho các doanh nghiệp chuẩn hóa, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Tuy nhiên Bộ Tài chính nhận thấy, trong thời gian qua có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng; góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra đã được Bộ phê duyệt đối với các doanh nghiệp kiểm toán thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán; Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chấn chỉnh để các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đúng các quy định về: Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan; Đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán; kiểm soát tốt đạo đức nghề nghiệp người hành nghề, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hành nghề; Thực hiện nghiêm, đúng quy định quy trình kiểm toán; xác định rõ nội dung, trách nhiệm của kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán.
Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cần rà soát, đánh giá và kịp thời tham mưu cho Bộ về việc sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn, nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập; Rà soát và cập nhật các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; sửa đổi các yêu cầu về báo cáo kiểm toán áp dụng cho công ty niêm yết để cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng; sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành để phản ánh các giao dịch kinh tế theo đúng bản chất, đảm bảo tính trung thực, khách quan tình hình tài chính của các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và Thanh tra Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng; chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót, dẫn đến phải sửa đổi… làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý các hành vi vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đối với các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo tính răn đe.