Báo cáo mới đây của Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) ghi nhận chỉ trong vòng 2 năm, VN-Index đã tăng gần 300% và đà tăng trưởng của thị trường dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022 tới đây.
-- |
Theo VFCA tiềm năng tăng giá của thị trường đến từ 3 lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam dự kiến đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý 1/2022. Đây sẽ là yếu tố đảm bảo cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục hoạt động sản xuất.
Trên thực tế, dữ liệu về sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam đang bật tăng mạnh trở lại từ vùng nền của quý 3. Chỉ số PMI của Việt Nam đã bật mạnh lên từ mức nền thấp của tháng 8 và 9/2021, hiện chỉ số tháng 10 đã đạt mức 52,1 trên ngưỡng 50. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 cũng đã thoát khỏi vùng suy giảm và tăng 5,6% so với cùng kỳ.
VFCA nhận định, xu hướng bật tăng trở lại của các chỉ số này cho thấy ngành sản xuất Việt Nam đã bước khỏi vùng suy giảm và đang mở rộng. Về tiêu dùng thì tổng mức bán lẻ hàng hóa đã có xu hướng tăng trở lại mạnh mẽ từ vùng nền thấp khi các lệnh giãn cách dần được dỡ bỏ hoàn toàn.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều động lực khác để củng cố thêm cho tăng trưởng kinh tế như: Chính phủ vẫn còn dư địa tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng; xuất khẩu phục hồi trở lại và tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định FTA; vốn đầu tư FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Thứ hai, định giá VN-Index vẫn nằm ở vùng hấp dẫn đặc biệt khi so sánh với các nước trong khu vực cũng như định giá lịch sử trong quá khứ
Theo VFCA, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang có sự hấp dẫn hơn thị trường khác khi: các doanh nghiệp niêm yết có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội hơn, trong khi P/E thị trường ở mức trung bình thấp và định giá hấp dẫn hơn tương đối so với hầu hết các thị trường khác.
Thứ ba về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn tiếp tục vận động trong một xu hướng tăng dài hạn kể từ tháng 3 năm 2020 nhờ yếu tố kinh tế hồi phục và định giá vẫn trong vùng hấp dẫn.
VFCA nhận định, xu hướng tăng dài hạn của VN-Index vẫn đang tiếp diễn và chưa bị vi phạm trong suốt 11 tháng 2021 bất chấp khó khăn kinh tế và dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực. Sang năm 2022, các yếu tố như chính sách tiền tề, tài khoá tiếp tục mở linh hoạt và mở rộng, lãi suất cho vay duy trì ở mặt bằng thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh trên nền tảng thấp của 2021 và định giá hấp dẫn cho cả năm 2022 thì khả năng cao VN-Index sẽ vẫn tiếp tục di chuyển trong kênh tăng giá dài hạn.
VFCA dự báo chỉ số VN-Index năm 2022 chỉ đạt mốc 1.650, tăng 10% so với mốc cao nhất đã đạt được trong năm 2021 là 1.500. Mức tăng này là khiêm tốn so với mức tăng 37% của VN-Index trong năm 2021.
Trong đó, có thể sẽ không còn chứng kiến sự thăng hoa của cả thị trường mà sẽ là câu chuyện của sự tăng trưởng phân hóa mạnh mẽ và sâu hơn giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Các nhóm ngành cơ bản hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế như: sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng được dự báo sẽ là điểm đến ưa thích của dòng tiền trong năm 2022
Ở chiều ngược lại, VFCA cũng nhấn mạnh tới những rủi ro tiềm ẩn. Đầu tiên là rủi ro về biến chủng mới của Covid-19. Đầu tháng 12/2021 chủng virus mới đã bắt đầu lan đến một số nước Đông Nam Á và nếu xuất hiện ở Việt Nam thì đây sẽ là một rủi ro đối với nền kinh tế vừa mới bắt đầu hồi phục sau một quý 3 ảm đạm.
Mặt bằng giá cao và tính đầu cơ rất mạnh cũng làm tăng yếu tố rủi ro trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Các biến động của thị trường trở nên nhanh và mạnh hơn, dễ xảy ra các phiên điều chỉnh giảm sốc cụ thể như nhịp điều chỉnh giảm đầu năm 2021 thị trường giảm 196 điểm trong một tuần hay nhịp điều chỉnh tháng 7/2021 giảm 183 điểm trong một tuần.
Đây đều là những nhịp điều chỉnh nhanh, mạnh và gây sốc cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác, mặt bằng giá của cổ phiếu hiện cao hơn rất nhiều so với những thời điểm đầu sóng tháng 3/2020 nên việc thị trường giảm điểm sẽ mang lại những biến động rất lớn về giá trị tuyệt đối, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.