|
Kết phiên giao dịch ngày 13/7/2021, mã này tăng nhẹ 0,8% lên mức 12.650 đồng sau khi nằm sàn trong phiên trước đó. Phiên tăng điểm này cũng tạm thời chấm dứt chuỗi 14 phiên giao dịch liên tiếp không biết mùi tăng giá của cổ phiếu lớn trong ngành thầu xây dựng này.
Có vẻ như những thông tin tích cực đến từ kết quả trúng thầu các gói thầu gần đây vẫn chưa mang lại sự yên tâm cho giới đầu tư HBC?
Mới nhất, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa trúng thầu thêm 3 dự án mới, nâng tổng giá trị trúng thầu của Hòa Bình trong những ngày đầu tháng 7 gần 1.900 tỷ đồng.
Tại Bình Dương, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng nhà HT – Pearl tiếp tục giao Xây dựng Hòa Bình là tổng thầu thi công xây dựng phần thân Dự án Khu căn hộ HT – Pearl tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án có quy mô gồm 2 block, cao 36 tầng, thời gian thi công dự kiến 451 ngày, tổng giá trị gói thầu 871,2 tỷ đồng. Hòa Bình hiện đang là nhà thầu thi công phần hầm của dự án này.
Tại Bình Thuận, Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận (thuộc Novaland Group) giao cho Hòa Bình vai trò thầu chính thi công Khách sạn H5 thuộc dự án Novaworld Bình Thuận tại thành phố Phan Thiết. Giá trị gói thầu 145 tỷ đồng và thời gian thi công dự kiến 444 ngày.
Tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup tiếp tục giao cho Hòa Bình thầu chính gói thầu cơ điện và phòng cháy chữa cháy của Tòa nhà V9 thuộc tổ hợp Lô F3, Dự án Vinhomes Smart City. Dự án có quy mô 1 tầng hầm và 39 tầng cao, tổng giá trị gói thầu hơn 108 tỷ đồng.
Trước đó vào cuối tháng 6, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Gia Cư (thuộc Tập đoàn Pigroup) đã tiếp tục giao thêm cho Hòa Bình gói thầu thứ 3 thi công toàn bộ phần kết cấu và hoàn thiện 02 khối nhà C1, C2 của Dự án Picity High Park (TP. HCM), có tổng giá trị gần 496 tỷ đồng. Hiện hai tòa tháp của khối C3 đã được Hòa Bình cất nóc vượt tiến độ 5 ngày vào đầu tháng 6/2021, tòa tháp khối C4 dự kiến sẽ cất nóc trong tháng 8 tới đây.
Còn tại Phú Quốc, CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành tiếp tục tin tưởng giao cho Hòa Bình gói thầu thứ 3 của Dự án Khu dân cư và Đô thị cao cấp Hưng Phát - Phú Quốc. Theo đó, Hòa Bình là thầu chính thi công toàn bộ phần kết cấu từ móng đến tầng mái và hoàn thiện mặt ngoài nhà, ống chờ MEP của 104 căn nhà phố liền kề cao từ 4 - 5 tầng thuộc phân khu 2 (Apricot) - giá trị gần 265 tỷ đồng. Với gói thầu thứ 3 này, Hòa Bình đang thi công tổng cộng 310 căn nhà phố liền kề của dự án Khu dân cư và đô thị cao cấp Hưng Phát – Phú Quốc.
Trước đó, chiều ngày 21/6/2021, Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch doanh thu 13.500 tỷ đồng - tăng 20% và lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng - tăng 181% so với năm 2020. Với chỉ tiêu trên, công ty dự chia cổ tức với tỷ lệ 5%, hình thức sẽ bằng cổ phiếu hoặc/và tiền mặt.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết chủ trương năm nay công ty sẽ thoái vốn khỏi các dự án đầu tư bất động sản, tập trung vốn phát triển lĩnh vực xây dựng công nghiệp, hạ tầng và đặc biệt là bất động sản cao tầng tại thị trường nước ngoài.
Theo đó, năm 2021, HBC đặt mục tiêu trúng thầu 14.000 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm, giá trị trúng thầu của HBC đã đạt 9.408 tỷ đồng.
Để có nguồn lực đầu tư, HĐQT doanh nghiệp đã trình phương án phát hành chứng khoán bao gồm trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 2.000 tỷ đồng trong đó giá phát hành cổ phiếu không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Thời điểm phát hành sẽ được quyết định cụ thể khi điều kiện thị trường phù hợp.
Mặt khác, theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2018, công ty sẽ phát hành 3,25 triệu cổ phiếu ESOP với giá bằng mệnh giá, thời điểm có thể trong năm nay hoặc các năm sau đồng thời phát hành 4,62 triệu quyền mua cổ phiếu cho cán bộ nhân viên đang làm việc.
Hiện HBC đang đầu tư khoảng 11 dự án trong đó có 4 dự án lớn. Đặc biệt, 1 dự án tại số 1C Tôn Thất Thuyết có khả năng thu về 400 tỷ đồng. Tổng giá trị thoái vốn tại 4 dự án lớn này có thể mang về cho HBC số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra HBC cũng thoái vốn tại một số công ty con trong mảng chứng khoán, sản xuất betong sợi thuỷ tinh…
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch kiểm soát các khoản phải thu cũng như xử lý nợ xấu, CEO Lê Viết Hiếu chia sẻ: "Việc kiểm soát các khoản phải thu cũng như xử lý nợ xấu là trọng tâm của HBC trong đó đến 50% chỉ tiêu tài chính là sẽ cải thiện dòng tiền, cơ cấu khoản phải thu và trả nợ. Hàng tháng các nhóm cũng họp để cập nhật kịp thời các khoản phải thu, để có những động thái phù hợp cải thiện dòng tiền…
Năm 2021, HĐQT đặt chỉ tiêu xử lý 500 tỷ nợ xấu, hiện đã thực hiện được 400 tỷ nên khá tự tin về chỉ tiêu vượt nợ xấu.