Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã huy động trái phiếu với lãi suất cao trong năm vừa qua. |
Khả năng trả nợ bắt đầu giảm
Theo thống kê của hãng xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings, trong năm ngoái các doanh nghiệp ngành bất động sản là những đơn vị có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất với tổng giá trị khoảng 162.000 tỷ đồng, tăng trên 100% so với năm 2019. Theo đó, kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản phát hành trong năm ngoái cũng đã tăng hơn 1 năm so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức trung bình khoảng 3,8 năm. Lãi suất trái phiếu bình quân cũng tăng khoảng 210 điểm cơ bản, đạt mức trung bình khoảng 10,5%/năm.
Kết quả khảo sát trên 17 công ty bất động sản niêm yết có phát hành trái phiếu trong năm ngoái, Fiin Ratings nhận định, cho đến thời điểm hiện tại mặc dù hệ số chi trả lãi vay trung bình đã giảm chỉ còn 3,4 lần so với mức bình quân 4,5 lần trong năm 2019. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của nhóm công ty bất động sản niêm yết có phát hành trái phiếu trong năm qua vẫn ở mức an toàn bởi hệ số nợ vay ròng trên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao vẫn thấp hơn kỳ hạn bình quân của trái phiếu đã phát hành là 2,8 lần so với 3,8 lần.
Dù vậy, Fiin Ratings vẫn cảnh báo, nếu xem xét từng đơn vị cụ thể thì sức khỏe tài chính của một số công ty bất động sản có phát hành trái phiếu giá trị lớn trong năm ngoái đã có sự phân hóa mạnh. Ngoài những đơn vị đầu ngành như Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, hầu hết các doanh nghiệp còn lại đã có sự suy yếu. Một số doanh nghiệp có hệ số chi trả lãi vay năm đã giảm về mức 0,7 lần, tức là lợi nhuận tạo ra không đủ trang trải lãi vay. Trong khi hệ số nợ vay ròng trên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao ở một số đơn vị tăng mạnh lên mức 17,3 lần, tức là vượt xa kỳ hạn 3,8 năm của trái phiếu. Do vậy khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các công ty này sẽ phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của ngành bất động sản.
Quan sát thực tế trên cho thấy, đến cuối năm vừa qua, sức khỏe tài chính ở nhiều tập đoàn bất động sản lớn như Đất Xanh, Phát Đạt, An Gia… đã chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc tồn kho quá nhiều dự án nhà ở.
Báo cáo hợp nhất quý IV/2020 của Đất Xanh cho thấy doanh thu năm 2020 của tập đoàn này giảm 50% so với năm 2019, chỉ đạt gần 2.900 tỷ đồng, hàng tồn kho lên mức 51% khiến công ty lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi lên sàn vào năm 2009. Với Phát Đạt, Nam Long và An Gia, bức tranh tồn kho cũng không sáng hơn, khi lần lượt ghi nhận các mức tăng 16%, 23% và 120%. Giá trị hàng tồn kho của 3 công ty này đều đã ở mức từ 40-60% tổng giá trị tài sản. Vì thế sức ép trả lãi vay tín dụng và lãi vay từ trái phiếu doanh nghiệp phát hành là rất lớn và nếu không giải phóng được hàng tồn, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển nhượng các dự án để cắt lỗ.
Rủi ro nợ xấu vẫn lớn
Đánh giá tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến dòng tiền và nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong năm 2021, bất động sản, xây dựng, năng lượng và vật liệu sẽ vẫn là nhóm dẫn đầu trong nhu cầu về vốn trung và dài hạn.
Ở góc độ sức chịu đựng về tài chính của các doanh nghiệp bất động sản, Fiin Ratings nhận định, khả năng chi trả lãi vay của doanh nghiệp vẫn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong năm nay, nhiều khả năng hệ số nợ vay ròng trên khấu hao bình quân sẽ giảm chỉ còn khoảng 3 lần.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cảnh báo, nợ xấu có thể phát sinh thêm khi các doanh nghiệp đáo hạn các khoản vay. Bởi hiện nay nhu cầu vốn dài hạn vẫn rất lớn đối với các doanh nghiệp nhà đất. Trong khi đó các kênh huy động vốn trung dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản chưa phát triển đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường. “Đây là điều rất đáng quan ngại, vì có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu”, ông Châu nói.
Kết quả khảo sát trên 29 NHTM, công ty chứng khoán, VCBS cho rằng, hiện nay nhiều ngân hàng đã gia tăng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế, tỷ trọng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 7,12% dư nợ cho vay tín dụng của ngân hàng và đang có xu hướng giảm.
Trong tương quan với mặt bằng lãi suất huy động, VCBS nhận định, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên với lãi suất huy động hiện ở mức 5,0-5,5% cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng thì kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 8-12% sẽ vẫn thu hút vốn của công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng.
Tuy nhiên, hiện các ngân hàng vẫn đang hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán... theo chỉ đạo của NHNN. Trong một trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, năm 2020 tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 9,97%, tỷ lệ này các năm 2019, 2018 lần lượt là 21,53% và 26,76%.
Theo Thời báo Ngân hàng