Việc CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) lên sàn đã tăng kịch trần đã lộ ra những nghi ngại bất thường trong quá trình tăng vốn, cũng như trị giá cổ phiếu Nam Sông Hậu.
Nam Sông Hậu có dấu hiệu tăng vốn bất thường?
Theo bản cáo bạch, trong quá trình hình thành phát triển đến nay, Nam Sông Hậu đã nhiều lần thực hiện tăng vốn điều lệ với quy mô lớn. Cụ thể, kể từ khi được cấp giấy phép thành lập năm 2012 đến năm 2019 vốn điều lệ của Công ty đã tăng từ 60 tỷ đồng lên 1.261,97 tỷ đồng.
Riêng năm 2014, trong vòng 3 tháng có tới 3 lần tăng vốn, tổng cộng từ 60 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 3 năm gần nhất từ năm 2017 đến năm 2019, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 250 tỷ đồng lên 1.261,97 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quá trình tăng vốn từ tháng 5/2014 đến tháng 8/2018 vẫn chỉ xoay quanh số lượng 3 cổ đông. Mãi đến đợt cuối cùng ở tháng 5/2019, sau khi tăng vốn thành công từ 800 tỷ đồng lên hơn 1.261 tỷ đồng mới xuất hiện cổ đông thứ 4 thông qua hình thức phát hành riêng lẻ hơn 40 triệu cổ phiếu theo mệnh giá.
Nhưng đến ngày 21/1/2020, trong bản cáo bạch thể hiện danh sách cổ đông của Nam Sông Hậu đã lên tới 425 người, tất cả đều là cổ đông cá nhân trong nước. Trong đó có duy nhất 1 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của công ty là ông Mai Văn Huy – chủ tịch HĐQT. Cụ thể, số lượng cổ phần ông Huy nắm giữ là hơn 84,1 triệu cổ phần, tương ứng 66,65% vốn điều lệ của Nam Sông Hậu.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Nam Sông Hậu có trình bày việc tăng vốn điều lệ trong tương lai là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng vốn nhanh có thể tác động tới các chỉ số tài chính, cụ thể làm giảm chỉ tiêu sinh lời trên vốn và tài sản của Nam Sông Hậu trong ngắn hạn dẫn đến ảnh hưởng đến thu nhập của cổ đông trong ngắn hạn.
Có thể thấy, với việc tăng vốn hơn 1.200 tỷ, từ 60 tỷ đồng lên hơn 1.261 tỷ đồng (gấp 20 lần) chỉ trong vòng 7 năm của Nam Sông Hậu – đây quả thực là một mức tăng “thần tốc”. Chính điều này đặt ra câu hỏi liệu năng lực quản lý của Ban lãnh đạo có đáp ứng được yêu cầu phát triển của Nam Sông Hậu hay không khi mà Ban lãnh đạo vẫn là những con người đó?
Khi công ty “gia đình trị” lên sàn
Theo tìm hiểu, ông Mai Văn Huy sinh năm 1961. Ông nguyên là Giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp từng bị nhận án chung thân về 4 tội gồm buôn lậu, tham ô, đưa hối lộ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, sau hơn 9 năm chấp hành án ông đã được đặc xá và trở về thành lập nên CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu.
Ngoài ông Huy là chủ tịch HĐQT, 2 vị trí chủ chốt khác trong công ty còn có em trai của vị đại gia này là ông Mai Văn Thành giữ vị trị TGĐ và con trai là Mai Hữu Phúc đảm nhận vị trí phó TGĐ. Với cơ cấu quản trị này cho thấy Nam Sông Hậu có yếu tố là một công ty “gia đình trị”.
Chính vì chỉ riêng việc chủ tịch HĐQT nắm giữ 66.65% vốn cổ phần nên sẽ có đủ thẩm quyền để quyết/phủ quyết các tờ trình quan trọng trong đại hội cổ đông. Việc chi phối các hoạt động của công ty rất dễ dàng như vậy sẽ bất lợi cho các cổ đông và nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu Nam Sông Hậu?
Để làm rõ hơn việc tăng vốn “thần tốc” trước khi niêm yết có dấu hiệu “ảo” hay không, cũng như hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của Nam Sông Hậu ra sao, PV sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Báo Công luận