Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, PV đặt câu hỏi: Nhiệm kỳ trước Chính phủ tuyên bố rõ và công khai: “Chúng ta không đi bán bia và bán sữa” và việc doanh nghiệp cổ phần hoá rất rõ. Tuy nhiên 2 năm cuối, mục tiêu cổ phần hoá gần như thất bại. Xin hỏi tới đây quan điểm của Chính phủ như thế nào? Ví dụ như Habeco, một doanh nghiệp rất lớn có trong danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng liên tục bị dừng tiến độ, tới đây nhà nước sẽ xử lý như thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói về cổ phần hóa doanh nghiệp (Ảnh internet) |
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu tiếp tục thực hiện, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng-an ninh, những lĩnh vực thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Ví dụ như Viettel là tập đoàn nhà nước rất mạnh hoặc một số tập đoàn, tổng công ty khác.
Theo ông Sơn, căn cứ chủ trương của Đảng, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng những tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước để làm cơ sở cổ phần hóa, thoái vốn cho các doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo hướng tổng kết giai đoạn trước, những gì làm tốt sẽ tiếp tục phát huy, những tồn tại, hạn chế sẽ khắc phục.
“Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu tiêu chí sắp xếp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn, với tinh thần để các doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Tài chính Doanh nghiệp