Thị trường hồi phục trở lại trong tuần giao dịch từ 11-15/7 khi VN-Index tăng hơn 7 điểm. Bước sang tuần giao dịch mới, phiên 18/7 thị trường nối tiếp đà tăng và cách chỉ số nhanh chóng vượt tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và chăn nuôi biến động theo chiều hướng tích cực. Ở nhóm đầu tư, BCC, PLC… cũng nới rộng biên độ. Còn với nhóm chăn nuôi, DBC, BAF, HAG… cũng bứt phá nhờ hưởng lợi từ việc giá thịt lợn hơi trên cả nước đang có xu hướng tăng mạnh. Ngoài ra loạt cổ phiếu lớn như GVR, TCB, PLX, TPB... cũng bật tăng, giúp nâng đỡ các chỉ số.
Tuy vậy, áp lực bán vẫn hiện hữu nên VN-Index không bật tăng mà chỉ đi ngang suốt phiên sáng. Đà tăng của VN-Index bị thu hẹp đáng kể. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 0,78 điểm, tương ứng 0,07% lên 1.180,03 điểm. Thanh khoản thị trường cũng giảm so với phiên trước.
Cổ phiếu bất động sản bất ngờ gây áp lực tới chỉ số trong phiên giao dịch chiều. Các mã vốn hóa lớn cũng quay đầu giảm mạnh khiến độ rộng thị trường nghiêng về bên bán. Chứng khoán lùi dần về tham chiếu và nhanh chóng giảm xuống dưới tham chiếu. Dù phần lớn thời gian giao dịch trong vùng giá xanh nhưng áp lực bán về cuối phiên lại khiến chỉ số đánh mất động lực tăng và lùi về vùng dưới tham chiếu.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/7, VN-Index giảm 2,76 điểm, tương ứng 0,23% xuống 1.176,49 điểm. Toàn sàn có 229 mã tăng, 209 mã giảm và 78 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,23 điểm, tương ứng 0,08% lên 284,63 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 80 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,14 điểm, tương ứng 0,16% lên 87,46 điểm. Nhóm VN30 giảm gần 6 điểm với 16 mã đỏ lửa thời điểm kết thúc phiên.
Nhóm bất động sản là tác nhân chính khiến thị trường chìm trong sắc đỏ trong phiên hôm nay, loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc mất giá kéo chỉ số chung xuống có DIG giảm 5,5%, DXS giảm 3,8%, CEO giảm 3%, DXG giảm 2,5%, VPH giảm 2,5%, HDC mất 2,3%, LDG mất 2,1%...
VIC và VHM thuộc "họ Vingroup" là hai mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường chứng khoán. Trong đó, VIC mất 2,3% xuống còn 68.000 đồng/cổ phiếu, VHM mất 1,67% xuống 59.000 đồng/cổ phiếu. Nhóm thép cũng diễn biến xấu và là một trong những mã tác động tiêu cực tới thị trường. HPG giảm 2,59% xuống 22.600 đồng với gần 20 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên. Ngoài ra, NKG giảm 3,02%, POM giảm 2,76%, TLH giảm 2%...
Nhiều mã ngân hàng cũng nằm trong nhóm tác động xấu tới thị trường, có thể kể đến BID, STB, VCB… Ngược lại, một số mã khác lại đóng vai trò trụ đỡ, tạo sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng là VIB, TCB, SSB…
Cổ phiếu thủy sản, chăn nuôi, thực phẩm… cũng giao dịch khởi sắc. MSN của Masan nằm trong top những mã tác động tích cực tới thị trường chung. Ngoài ra, HAG tăng 5,8% và có thời điểm tiến sát giá trần, DBC tăng 2,9%, VHC tăng 4,2%...
Khối ngoại bán ròng khoảng 116 tỷ đồng phiên 18/7. Không có mã nào bị bán khối lượng đột biến. HPG và VNM bị bán nhiều nhất, hơn 44 tỷ đồng, DXG bị xả 27 tỷ đồng, STB bị bán 23 tỷ đồng… Ngược lại, một số mã được mua trong phiên là VND 62 tỷ đồng, DPM 35 tỷ đồng, BID 20 tỷ đồng, LPB 20 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường phiên 18/7 giảm so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.859 tỷ đồng, giảm 11,3% trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 11,4% xuống mức 10.080 tỷ đồng. Thanh khoản nhóm VN30 giảm mạnh xuống 3.600 tỷ đồng với 117 triệu cổ phiếu sang tay.
Nhìn về triển vọng chứng khoán tuần này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng nhịp tăng của thị trường sau nhịp chỉnh hiện tại, đồng thời có thể tiếp tục mua tích lũy tại các cổ phiếu ở vùng hỗ trợ mạnh và đang tín hiệu khởi sắc.
Công ty Chứng khoán MB lại cho rằng thị trường đang có sự phân hóa tích cực, nhà đầu tư đang quan tâm đến cơ hội ở các nhóm cổ phiếu hơn là tham chiếu theo chỉ số thị trường.
Công ty Chứng khoán SSI lại nhận định VN-Index đang chuyển dần sang trạng thái sideway (đi ngang) trong kênh giá 1.150-1.200 điểm.