|
Dược phẩm là nhóm ngành hiếm hoi trên sàn duy trì trả cổ tức cao cho các cổ đông, thậm chí các doanh nghiệp còn trả cao hơn so với kế hoạch ban đầu, mặc dù kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024 phần lớn là "rơi" từ trên nền cao.
Duy trì trả cổ tức cao
Chẳng hạn, công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán - Dược Hậu Giang (DHG), thông báo chi trả cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 75% bằng tiền mặt. Đây là tỷ lệ chia cổ tức lớn nhất của doanh nghiệp từ khi niêm yết đến nay. Trong 6 năm trở lại đây, "ông lớn" ngành dược này đều chia cổ tức bình quân mỗi năm trên 30% bằng tiền mặt.
Kết thúc năm 2023, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần 5.015 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.051 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 6% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty dành tới hơn 93% lợi nhuận năm 2023 để trả cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 414,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 32% so với cùng kỳ.
"Đại gia" đông dược - CTCP Traphaco (TRA), cũng chi trả cổ tức năm 2023 tổng tỷ lệ 40% (cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được nhận 4.000 đồng), cao hơn so với mức dự kiến ban đầu là 30%.
Trước đó, năm 2021 và 2022, Traphaco cũng chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt tổng tỷ lệ 30%.
Mặc dù chia cổ tức năm 2023 cao hơn dự kiến nhưng kết quả kinh doanh năm 2023 của Traphaco lại không đạt như kỳ vọng khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 285 tỷ đồng, giảm 2,5% so với năm trước và chỉ hoàn thành 87,42% kế hoạch.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Traphaco báo lãi sau thuế giảm 16% xuống 132 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2020 – 2023, Dược Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã: DBD) cũng đều đặn chi trả cổ tức từ 15 - 30%. Trong đó, năm 2020, công ty trả cổ tức 15% bằng tiền mặt; năm 2021 trả cổ tức tỷ lệ 25% (15% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu); năm 2022 trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu và năm 2023 trả cổ tức 30% bằng tiền mặt.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Bidiphar đạt 817 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, song lãi sau thuế lại giảm 2% xuống 140 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và gần 52% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.
Trong khi đó, Dược phẩm Imexpharm (IMP) đã chốt thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%, tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 100 cổ phiếu mới, qua đó vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên gấp đôi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% lên 1.008 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 19% xuống 128 tỷ đồng và mới thực hiện được 30% kế hoạch năm.
Hưởng lợi trong dài hạn
IQVIA dự báo, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu sẽ tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2027.
Ngành dược Việt Nam đang được hưởng lợi trong dài hạn bởi sự già hóa dân số và chi tiêu của người dân dành cho dược phẩm ngày càng tăng lên.
Theo SSI, năm 2024, các chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược phẩm sản xuất trong nước. Một chính sách quan trọng dự kiến được thông qua trong năm 2024 là việc sửa đổi Luật Dược, nhằm giúp giảm bớt thách thức và tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp trong nước theo đuổi các tiêu chuẩn cao (như EU-GMP hoặc tương đương).
SSI kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước cải thiện thị phần so với sản phẩm nhập khẩu ở kênh bệnh viện. Tuy nhiên, tác động của những chính sách này sẽ được thấy rõ hơn vào những năm tiếp theo (2025 - 2026).
Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng việc khơi thông pháp lý sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành dược phẩm. Theo đó, từ đầu năm 2023, nhiều văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn của ngành dược đã được ban hành như Nghị quyết 80, Nghị định 07, Nghị quyết số 30, Thông tư 06. Trong đó, Quyết định số 1165 ban hành hồi tháng 10/2023 đặt mục tiêu tự chủ các dòng thuốc generic nội địa, hạn chế nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.
Mirae Asset dự báo, giá trị ngành dược phẩm năm 2024 sẽ đạt 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC (thuốc có kê đơn) tăng trưởng mạnh hơn OTC (thuốc không kê đơn) nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ USD, tăng 9,4%.
Đồng thời, nếu hoàn tất cơ chế về tự chủ tài chính, bệnh viện công lập sẽ tăng cường chọn các dòng thuốc ưu tiên nội địa có chất lượng cao, thúc đẩy nhu cầu kênh thuốc.
Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong trung và dài hạn, nhóm dược có tiềm năng tăng trưởng khá nhờ triển vọng tiêu thụ thuốc ở Việt Nam. Trong môi trường chính sách thuận lợi, VDSC cho rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024.
Các cổ phiếu được VDSC đánh giá tốt trong trung và dài hạn như IMP, DBD.
Mặt khác, Việt Nam đang rất quan tâm tới thu hút FDI, trong đó có lĩnh vực y tế với những chính sách ưu đãi cao nhất, cũng là một yếu tố cho thấy ngành dược phẩm đang ngày càng hấp dẫn.
Thực tế, mặc dù số lượng còn khiêm tốn nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về y dược của thế giới cũng đã đầu tư vào Việt Nam.
Mới nhất, Celltrion, một trong những tập đoàn dược phẩm hàng đầu Hàn Quốc vừa chính thức thành lập công ty con tại Việt Nam với kế hoạch xin phê duyệt và ra mắt các sản phẩm sinh học tương tự biosimilar trước cuối năm nay.
Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng của Celltrion tại thị trường ASEAN, đặc biệt tại Việt Nam - nơi ngành công nghiệp dược phẩm đang phát triển nhanh chóng và có tiềm năng lớn.
Hay như quỹ ngoại Dragon Capital vừa nâng mức ở hữu tại FPT Retail lên hơn 13% vốn bằng việc tiếp tục mua vào 105.000 cổ phiếu FRT.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu - công ty con FPT Retail ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức 67% so với cùng kỳ, đạt 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn công ty mẹ.
Trong đó, chuỗi tiêm chủng Long Châu hiện là chuỗi tiêm chủng có tốc độ mở nhanh nhất với doanh thu thực tiêm khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng. VDSC ước tính doanh thu của chuỗi tiêm chủng này năm 2024 vào khoảng 1.400 tỷ đồng, tương ứng với thị phần khoảng 6%.
Theo vnbussiness.vn