Bám sát nhu cầu tăng trưởng phụ tải
Những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và điện sinh hoạt cho nhân dân tại tỉnh, góp phần quan trọng giúp Nghệ An thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Sản lượng điện thương phẩm giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 12,61%/năm, giai đoạn 2021-2023 là 7,01%/năm, riêng năm 2023 tăng 9,1% so với năm 2022. Dự báo, năm 2024, sản lượng điện thương phẩm của tỉnh Nghệ An sẽ tăng khoảng 28,3% so với năm 2023.
Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 23 khu công nghiệp (KCN). Thời gian vừa qua, một số KCN đã đăng ký nhu cầu phụ tải mới đến năm 2025 với quy mô lớn như: KCN Hoàng Mai 1 và Hoàng Mai 2; KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; KCN Thọ Lộc… Bên cạnh đó, còn nhiều khu công nghiệp chưa có thông tin về nhu cầu phụ tải.
Trước thực tế, với các quy định hiện hành, thời gian đầu tư các trạm biến áp 500 kV, 220 kV và các đường dây đấu nối có thể kéo dài từ 3-5 năm. Đối với trạm biến áp 110 kV và các đường dây đấu nối có thể kéo dài 2-3 năm.
Tổng giám đốc EVN kiểm tra vị trí thi công khoảng néo 24, 25 Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa |
Do vậy, để đảm bảo cấp điện cho các KCN, EVN đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan phối hợp đánh giá hiện trạng lưới điện và tiến độ đầu tư xây dựng các công trình mới để có kế hoạch phát triển phụ tải tại các KCN trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, các KCN sớm đăng ký nhu cầu công suất với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) để có kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các công trình lưới điện; đồng thời doanh nghiệp cần cam kết phát triển phụ tải như đã thỏa thuận để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Hiện có thực tế các đơn vị thành viên của EVN đang triển khai nhiều dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhưng một số dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quy hoạch, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận hướng tuyến…
Trong số này có 2 Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa (thuộc cụm dự án Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các công trình phải hoàn thành vào tháng 6/2024. Tuy nhiên, các đoạn tuyến tại tỉnh Nghệ An hiện còn nhiều vướng mắc. Điển hình, các vị trí rừng trồng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, hạng mục đường tạm để thi công chưa được phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, còn có vướng mắc trong bổ sung kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Diễn Châu, trong bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số địa phương…
Bên cạnh đó, dự án ĐD 220kV Nậm Sum - Nông Cống (phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam) dự kiến hoàn thành đóng điện quý II/2024 nhưng hiện vẫn chưa được chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Quế Phong và Quỳ Châu vẫn còn vướng mắc.
Để triển khai đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt đảm bảo tiến độ và chất lương, góp phần cung cấp đủ điện cho tỉnh Nghệ An nói riêng và cả đất nước, EVN kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Tập trung, quyết liệt trong triển khai
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết kinh tế - xã hội Nghệ An những năm gần đây có những bước chuyển biến tích cực, trở thành điểm đến thu hút của các nhà đầu tư lớn. Nghệ An cũng trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Nghệ An trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài có sự hỗ trợ của EVN và các đơn vị thành viên |
“Thành quả này của tỉnh có sự hỗ trợ rất tích cực của EVN và các đơn vị thành viên trong việc đảm bảo cung cấp điện”, ông Nguyễn Đức Trung Khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, các công trình điện cần được xây dựng đảm bảo tiến độ và chất lượng là vì lợi ích chung của đất nước, của địa phương và của cả ngành điện. Do đó, tỉnh Nghệ An xác định đây là trách nhiệm của tỉnh.
Thời gian qua, Nghệ An đã có nhiều cuộc họp giải quyết các vướng mắc của các dự án điện, đặc biệt đối với 2 dự án Đường dây 500 kV trọng điểm Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan hết sức nỗ lực, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên của EVN xử lý một cách khẩn trương, hiệu quả.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các đơn vị thành viên của EVN, đặc biệt là chủ đầu tư dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong triển khai dự án; phối hợp với các địa phương trong vận động người dân bàn giao mặt bằng; đồng thời quan tâm đến kiến nghị của tỉnh về các dự án đảm bảo nguồn điện cho các khu công nghiệp.