Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tiên Giang |
Khảo sát kết quả lựa chọn nhà thầu tại nhiều gói thầu cho thấy, tình trạng các nhà thầu tham gia đấu thầu theo “nhóm”, theo “bộ”, theo “cặp” khá nhiều. Bên cạnh đó, các nhà thầu thay phiên nhau trúng thầu, trượt thầu ngay trong một dự án cũng phổ biến. Tại không ít gói thầu, nhà thầu lớn tham gia đấu thầu nhưng trượt thầu với những lý do sơ đẳng hoặc không hợp logic, tạo điều kiện rất thuận lợi cho một số nhà thầu khác trúng thầu.
Chẳng hạn, hiện nay, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lang Phong (Nhà thầu Lang Phong) và Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam (Nhà thầu Đông Nam) đang trong thời gian thi công 2 gói thầu (số 11 và số 12) của Dự án Đường quy hoạch S song song Quốc lộ 51, đô thị mới Phú Mỹ, huyện Tân Thành, sử dụng ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Phú Mỹ mời thầu. Đây là 2 gói thầu xây lắp nối tiếp nhau của 1 tuyến đường quy hoạch S. Ở cả 2 gói thầu đều có sự tham gia của Nhà thầu Lang Phong và Nhà thầu Đông Nam, trong đó Nhà thầu Lang Phong trúng Gói thầu số 11 với giá 71,39 tỷ đồng, còn Nhà thầu Đông Nam bị trượt thầu. Tại Gói thầu 12, Nhà thầu Đông Nam trúng thầu với giá 65,423 tỷ đồng, còn Nhà thầu Lang Phong bị loại vì không đạt yêu cầu về kỹ thuật.
Một số nhà thầu giải thích rằng, chuyện “đảo vai” trong đấu thầu giữa các nhà thầu (khi thì cùng nhau liên danh để trúng thầu, khi thì thành đối thủ trong các cuộc thầu) có thể là do quá trình tương tác, tương trợ trong công việc mà mối quan hệ này được chuyển hóa. Chẳng hạn xuất phát điểm là đối thủ của nhau trong các cuộc thầu nhưng sau nhờ hiểu về năng lực của nhau nên thấy việc hợp tác để tận dụng kinh nghiệm, năng lực của nhau thì dễ trúng thầu hơn.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hiện tượng nhà thầu tham dự thầu và trúng thầu theo “bộ”, “cặp”, “nhóm” là dấu hiệu của một dạng thức thông thầu. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao những gói thầu này được đấu thầu rộng rãi nhưng “quẩn quanh” chỉ có mấy nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Có những gói thầu có nhiều nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT) nhưng rất ít nhà thầu nộp HSDT. Không loại trừ chuyện HSMT có vấn đề hoặc có sự tiếp tay, bao che hay làm ngơ của bên mời thầu/tư vấn đấu thầu/chủ đầu tư để nhà thầu trúng thầu đứng ra sắp đặt và dàn dựng kết quả trúng thầu.
Cũng theo ông Tăng, cần lưu ý việc nhà thầu đấu thầu theo bộ, theo nhóm trong đó các nhà thầu không trúng thầu có dấu hiệu “tự trượt” như không nộp bảo đảm dự thầu, làm HSDT sơ sài, bị những lỗi sơ suất không đáng có, thiếu các loại giấy tờ quan trọng... Nhiều nhà thầu lớn tham gia đấu thầu gói thầu quy mô “dưới sức” của mình mà “vấp ngã” đơn giản… Đặc điểm của những gói thầu có dấu hiệu sắp đặt này là nhà thầu trúng thầu chóng vánh, thuận lợi, hầu hết không có sự cạnh tranh về giá (chỉ nhà thầu trúng thầu được mở hồ sơ đề xuất về tài chính), tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu đạt thấp. Với những gói thầu có dấu hiệu và hiện tượng này thì các cơ quan chức năng ở địa phương (thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư) cần phải vào cuộc để giám sát, kiểm tra quá trình lựa chọn nhà thầu cũng như quá trình thi công sau trúng thầu để tránh sự thất thoát ngân sách nhà nước và giám sát chặt chất lượng công trình.
Ông Tăng cũng khuyến nghị, để tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu tiêu cực trong đấu thầu, Báo Đấu thầu cần tích cực truyền thông, phản ánh những hiện tượng nhà thầu đấu thầu theo bộ, cặp, nhóm, trượt thầu sơ đẳng...