-- |
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong năm 2021, Việt Nam thu hút được khoảng 31,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng khoảng 9% so với năm 2020.
Con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mốc 38 tỷ USD năm 2019, tức là thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, tuy nhiên là tương đối khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chịu những thiệt hại nặng nề từ đợt bùng phát lần thứ 4, nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội, sản xuất kinh doanh đình trệ, nhà đầu tư gặp khó khăn trong di chuyển.
Xu hướng tích cực
Đánh giá về thực trạng thu hút FDI năm 2021, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam đã có bước đầu thành công trong việc chọn lọc theo hướng loại bỏ dự án nhỏ lẻ, ít giá trị gia tăng.
Cụ thể, với giá trị đầu tư tăng hơn 9%, số dự án chứng nhận đầu tư mới trong năm 2021 giảm 31% so với năm ngoái. Số vốn đăng ký của các dự án mới tăng khoảng hơn 4%. Tính bình quân, quy mô của mỗi dự án FDI khoảng 9 triệu USD, gấp 1,5 lần so với con số gần 6 triệu USD năm 2020.
Một số dự án FDI quy mô lớn năm 2021 có thể kể đến như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, tổng vốn hơn 3,1 tỷ USD, dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD.
Xét về số lượng dự án, lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy nhà đầu tư chất lượng cao đang quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các dự án FDI cũng có xu hướng “xanh” hơn, phù hợp với định hướng và những cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.
Tháng cuối cùng của năm, trước sự chứng kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Tập đoàn Lego đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương.
Đây là nhà máy thứ 6 trên thế giới và thứ 2 tại thế giới của Lego. Đặc biệt hơn, nhà máy 1 tỷ USD là nhà máy đầu tiên theo tiêu chí trung hòa phát thải carbon của tập đoàn đồ chơi hàng đầu thế giới này.
Trước đó Công ty giấy Kraft Vina, một liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản và Thái Lan cũng đầu tư xây dựng nhà máy tại Vĩnh Phúc, tổng vốn hơn 600 triệu USD, chuyên sản xuất giấy, bao bì theo mô hình giảm khai thác tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm.
Một xu thế khác trong thu hút FDI là dòng vốn không còn tập trung nhiều ở những địa phương “truyền thống” như Hà Nội, TP.HCM hay Bình Dương. Năm 2021, Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD. Con số này chiếm 17% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và tăng gấp 3,5 lần so với năm 2020.
Xếp ở vị trí thứ 2 là Long An với 3,84 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào cả nước. Tiếp sau đó là Bình Dương, Bắc Ninh.
Theo các chuyên gia, xu thế này đến từ sự thay đổi về ngành nghề đầu tư, đặc biệt tăng mạnh ở những dự án năng lượng hay công nghiệp phụ trợ cho những tập đoàn điện tử lớn. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có lợi thế về giao thông, hạ tầng nhưng thiếu quỹ đất nên không phải lựa chọn tối ưu.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận tích cực về xu thế dòng vốn nằm ở việc những địa phương khác đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo phát biểu của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại Lễ trao giải Rồng Vàng đầu năm nay, giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương có trách nhiệm, cam kết cao hơn đối với quá trình phát triển kinh tế, trong đó có công tác thu hút vốn FDI. Sự chủ động của các địa phương góp phần quan trọng để không chỉ thu hút được nhiều đầu tư mà còn định hướng dòng vốn đầu tư hiệu quả và đạt giá trị cao.