Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước nói riêng, đặc biệt là tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn. Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước hơn 535,7 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy hàng hóa thông qua một số cảng biển lớn khu vực phía Nam vẫn còn một số trục trặc, song tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, ước đạt gần 18,6 triệu TEU (đơn vị đo lường tương đương với container 20 feet), tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu TEU (tăng 13%), hàng nhập khẩu ước đạt hơn 6,1 triệu TEU (tăng 18%), hàng nội địa ước đạt hơn 6,3 triệu TEU (tăng 13%).
Để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa kịp thời, Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhanh chóng một số giải pháp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính,…
Đơn giản hóa thủ tục
Trong bối cảnh căng thẳng này, Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị xử lý các vấn đề phát sinh để tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa, bên cạnh các giải pháp về tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa.
Cụ thể: Doanh nghiệp được chấp nhận nộp chứng từ dưới dạng điện tử thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá; thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc, đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng…
Hải quan kịp thời xử lý những vướng mắc (Ảnh: T.H) |
Với hàng nông sản xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía Bắc: Cần thực hiện các giải pháp như khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày, giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa…
Với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vaccine và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch: Doanh nghiệp được phép đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp.
Không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa
Các đơn vị xây dựng nhiều phương án với các giải pháp để việc thông quan hàng hoá không bị gián đoạn, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo quản lý hải quan, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Ngành Hải quan cũng đặt yêu cầu cao về an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt đối với các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội, hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch, như bố trí các bàn tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở khu vực riêng biệt, bố trí công chức hướng dẫn, tiếp nhận các chứng từ bản chính của doanh nghiệp.
Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: “Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Hải quan các địa phương và luôn bám sát tháo gỡ. Với những vướng mắc phát sinh tại chỗ chưa giải quyết được, chỉ cần qua email (thư điện tử), ứng dụng trên điện thoại Zalo, Viber, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục sẽ hướng dẫn ngay cho các địa phương trong thời gian lâu nhất là 3 tiếng đồng hồ”.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp XNK nộp thuế, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh phối hợp với ngân hàng thương mại, thực hiện chương trình nộp thuế 24/7. Đến nay, Tổng cục đã thực hiện ký thỏa thuận và triển khai nộp thuế điện tử với 44 ngân hàng, trong đó có 37 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử 24/7 và 7 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu.
Đối với hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế vàng hóa gửi kho ngoại quan thì Tổng cục hỗ trợ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, trong đó có đề xuất sửa Điều 47, Điều 61. Từ đó, hàng hóa gửi kho ngoại quan được tiếp tục lưu giữ trong trường hợp xảy ra dịch bệnh…
Theo Kinh tế môi trường