Hiện nay, các DN rơi vào tình trạng “khát” lao động do dòng người ồ ạt về quê tránh dịch thời gian qua đến nay chưa thể trở lại làm việc...
Nguy cơ đứt gãy nguồn cung lao động
Công ty TNHH Datalogic Việt Nam cũng như nhiều DN khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam cho biết, trước tháng 7, công ty có 831 nhân viên. Nhưng thời điểm này chỉ còn 502 lao động, hiện đang làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”.
“DN đang thiếu người lao động có tay nghề cao. Người có kinh nghiệm thường là người có gia đình, do sợ dịch bệnh nên có rất nhiều trường hợp không tham gia 3 tại chỗ” – ông Phát cho hay.
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, kế hoạch sản xuất sắp tới của công ty cần 3.000 lao động nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 lao động. Công ty này đang đẩy mạnh tuyển dụng với nhiều hỗ trợ phúc lợi xã hội. Trước đó, gần 6.000 công nhân của công ty tạm nghỉ việc do chính quyền thành phố yêu cầu, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch phải ngưng sản xuất. Khi đủ điều kiện hoạt động trở lại thì hàng trăm công nhân đang ở các tỉnh không di chuyển trở lại được, hoặc đang ở trong “vùng đỏ” tại các địa phương.
Trước thông tin, TP HCM sẽ dần mở cửa nền kinh tế, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour bày tỏ, thông tin về việc áp dụng “thẻ xanh” trong du lịch đã khiến các DN như “hồi sinh”.
Theo bà Thu, thời điểm này, gần 100% nhân viên, người lao động của Công ty đã được tiêm từ 1 - 2 mũi vaccine Covid-19. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại cần thận trọng, có lộ trình trong đó bà Thu nhấn mạnh đến việc bổ sung nguồn nhân lực. “Công ty đang lo tình trạng thiếu hụt nhân lực để tái khởi động. Thời gian qua, nhiều nhân viên đã nghỉ việc và để tuyển lại nguồn nhân lực này không hề đơn giản” - bà Thu chia sẻ.
TP HCM lo ngại thiếu hụt lao động khi bước vào giai đoạn bình thường mới. |
Tạo điều kiện cho người dân quay trở lại làm việc
Là một ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, các DN dệt may đang rất lo ngại về tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam thông tin, hiện DN dệt may đã kín đơn hàng đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tuy nhiên, các DN đang thấp thỏm lo chậm tiến độ giao hàng cho đối tác vì 60% lao động đã về quê.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cũng cho biết: “Lao động là bài toán khó của ngành dệt may trong thời điểm hiện nay vì đơn hàng của DN dệt may khá dồi dào. Để tổ chức sản xuất một cách an toàn, DN phải áp dụng phương án mở cửa hoạt động từng phần, không ồ ạt. Giải pháp này vừa khắc phục tình trạng thiếu lao động, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại nhà xưởng”.
Cũng theo ông Hồng, khi xảy ra dịch bệnh, nhiều DN đã đưa ra chính sách hỗ trợ đời sống công nhân rất tốt nhằm giữ chân lao động. DN không chỉ chăm lo cho công nhân ở những thời điểm thiên tai, dịch bệnh mà cần phải thực hiện xuyên suốt để có thể kết nối được giữa lãnh đạo và công nhân, là động lực để công nhân gắn bó với DN” - ông Hồng nói.
Trao đổi về vấn đề lao động tại các DN hiện nay, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cho hay, thời gian qua thành phố đã phối hợp với hơn 30 địa phương đưa 28.000 người trở về quê hương.
“Khi TP HCM tính đến việc mở cửa nền kinh tế thì câu chuyện về nguồn lao động cũng được thành phố quan tâm. Thành phố cũng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để lao động các tỉnh quay trở lại thành phố” – ông Hải cho biết.
Đối với trường hợp người dân từ các địa phương muốn di chuyển về TP HCM, theo ông Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP HCM, nhu cầu này rất lớn.
“Quan điểm của công an thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hết mức để người dân quay về TP HCM, song phải đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19. Việc kiểm soát gắn với đảm bảo an toàn về y tế” - ông Hà nói.
Trước đó, nói về kế hoạch nới lỏng giãn cách, từng bước mở cửa nền kinh tế, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, lãnh đạo TP HCM sẽ làm việc với các địa phương giải quyết vấn đề lao động. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ việc tiêm phòng Covid-19 cho lao động của các DN. Đây chính là điều kiện tốt nhất giúp DN tổ chức sản xuất an toàn trong thời gian tới.
Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) dự báo, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%, nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, ít nhất 20.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp rời thành phố về quê. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn công nhân làm việc ở các khu công nghiệp nhưng thuê trọ, sống ở các địa phương giáp ranh thành phố như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương,... không thể đi lại được do các địa phương áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo Đại đoàn kết