"Vỡ trận” dự án BOT
Thời gian gần đây, ngành ngân hàng thầm lặng giảm bớt tín dụng tài trợ cho các dự án BOT, BT. Điều này trái ngược so với 7,8 năm về trước.
Hiện có không ít dự án BOT, BT từ khi đưa vào khai thác đã đối mặt với nhiều khó khăn, thua lỗ nặng do thu phí không đủ trả lãi ngân hàng. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT là rất cần thiết, bởi dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu phí và trả nợ Ngân hàng.
Nguồn thu của nhiều dự án BOT không đảm bảo trả nợ vốn vay theo phương án tài chính ban đầu |
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, có 58/60 dự án BOT doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính. Trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%. Để “cứu” các doanh nghiệp BOT, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 2 phương án thu phí.
Phương án 1, cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải.
Phương án 2, giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song Nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, với phương án 2 đề xuất này mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến người dân, nhưng gián tiếp ảnh hưởng vì cuối cùng việc tăng chi phí cho BOT cũng từ tiền thuế của dân.
Nếu lý do tăng phí là chính đáng thì câu trả lời tiếp theo là ai sẽ phải chịu khoản chi phí tăng thêm đó? Còn phương án tăng phí BOT là tác động trực tiếp vào người sử dụng dịch vụ.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với khoảng 53.000 tỷ đồng dư nợ có nguy cơ phải cơ cấu lại, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Bộ GTVT cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tính toán kinh phí cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu tính toán trong phương án tài chính. Trường hợp cần thiết, đề xuất để Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án,… Tuy nhiên, kiến nghị của Bộ GTVT đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Dự án BOT thua lỗ gây hệ lụy cho các nhà băng
Tasco (mã: HUT) được biết đến là một “đại gia có tiếng” trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và quản lý các dự án BOT. Nhưng đến nay, “con gà đẻ trứng vàng” này lại trở thành gánh nặng kéo doanh thu và lợi nhuận của ông trùm Tasco tụt dốc.
Tasco hiện sở hữu nhiều dự án BOT, BT “vàng” như: dự án nâng cấp và cải tạo đường 39B; dự án nâng cấp Quốc lộ 1 – Quảng Bình; Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý – Mỹ Lộc…
Tuy nhiên, một số trạm thu phí BOT của TASCO không thu được phí đã ảnh hướng lớn tới dòng tiền và hiệu quả hoạt động, phá vỡ phương án tài chính. Công ty này đang đứng trước áp lực trả khối nợ vay dài hạn để làm các dự án BOT, BT giao thông lên tới 4.438 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 theo hình thức hợp đồng BOT - trạm BOT Tasco Quảng Bình. |
Nhìn từ báo cáo tài chính hợp nhất qúy 1/2020, trong tổng vay dài hạn và ngắn hạn, HUT đang vay cho các dự án BOT, BT tại ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Định, VCB chi nhánh Hà Nội, BIDV chi nhánh Sở giao dịch 3, BIDV chi nhánh Nam Hà Nội,…
Vay và nợ vay tài chính tại Tasco. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020. |
Vay và nợ vay tài chính tại Tasco. Nguồn: BCTC Công ty mẹ quý 1/2020. |
Cụ thể, BIDV đã duyệt cho TASCO và Công ty TNHH MTV TASCO Quảng Bình hạn mức vay tối đa 1.531 tỷ đồng trong vòng 19,5 năm để xây dựng dự án nâng cấp mở rộng QL 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Ngân hàng còn cấp hạn mức 435,7 tỷ đồng cho dự án tuyến tránh đường 39B (tỉnh Thái Bình); hạn mức 369 tỷ đồng cho dự án bổ sung tuyến tránh thị trấn Đông Hưng, Thái Bình trên quốc lộ 10; hạn mức 970 tỷ đồng cho dự án đường Lê Đức Thọ-đường 70; hạn mức 225 tỷ đồng cho dự án tuyến đường tránh TP.Nam Định;...
Ngoài BIDV, "ông lớn" Vietcombank cũng là chủ nợ khủng của TASCO. Nhà băng này đã cấp hạn mức vay hơn 2.333 tỷ đồng cho TASCO trong 18 năm để xây dựng dự án BOT nâng cấp QL10 (Hải Phòng) trong bối cảnh doanh nghiệp “ôm” quá nhiều dự án vượt khả năng tài chính.
Thông tin cụ thể các khoản vay ngắn hạn, dài hạn. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020 |
Thông tin cụ thể các khoản vay ngắn hạn, dài hạn. Nguồn: BCTC Công ty mẹ quý 1/2020. |
Trong khi đó, lợi nhuận hàng năm của TASCO chỉ ở mức 300-400 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2018-2019, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 66 tỷ đồng và 45 tỷ đồng, riêng quý 1/2020 lãi 5,4 tỷ đồng. Ước tính tổng hạn mức tín dụng của 2 "ông lớn" ngân hàng dành cho TASCO vượt gấp đôi vốn chủ sở hữu của công ty.
Kết quả kinh doanh quý 1/2020 tại Tasco. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020. |
Trước bối cảnh các dự án BOT, BT “vỡ trận”, thua lỗ, đã để lại gánh nặng nợ vay hàng trăm nghìn tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng. Vậy ban lãnh đạo BIDV, Vietcombank… sẽ thu hồi nợ của các khách hàng “ruột” ra sao để đảm bảo không gây thiệt hại cho phần vốn nhà nước?
Nợ xấu tại Vietcombank và BIDV
Cuối quý 1/2020, Vietcombank có tổng nợ xấu tăng 7% so với đầu năm, chiếm hơn 6.191 tỷ đồng, chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 32%, chiếm gần 904 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 43%, chiếm hơn 837 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,79% lên mức 0,82%.
Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/03/2020 của BIDV giảm nhẹ 1% so với đầu năm, xuống còn 19.290 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (giảm 8%) chuyển sang nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 13%) và nợ nghi ngờ (tăng 5%). Tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay duy trì ở mức 1,74%. Hiện tại, BIDV vẫn là nhà băng có nợ xấu nội bảng lớn nhất hệ thống ngân hàng.
|
Theo VNF