thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân, đồng thời họp triển khai kế hoạch công tác. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, giao dịch chuyển tiền quốc tế là lĩnh vực hết sức phức tạp, vừa mang tính chất thông lệ quốc tế, vừa mang tính chất cụ thể của từng trường hợp giao dịch. Tại Việt Nam, do từ trước tới nay không có quy định cụ thể nên cách hiểu và cách đặt vấn đề của từng cá nhân, tổ chức và cơ quan bảo vệ pháp luật có sự khác biệt.
Vì vậy, việc đưa ra được thông lệ chung sẽ góp phần giúp các ngân hàng thống nhất thực hiện, qua đó tránh được các rủi ro liên quan đến quy trình chuyển tiền quốc tế.
Sau khi thống nhất và được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, chấp thuận, ngày 20/11/2023, Hiệp hội Ngân hàng đã có Công văn số 471/HHNH về việc cử nhân sự tham gia Tổ Công tác soạn thảo Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra bộ chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng đã quyết định thành lập Tổ Công tác xây dựng Bộ Quy tắc, gồm Ban soạn thảo và Tổ giúp việc.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, Bộ Quy tắc sẽ được xây dựng dựa trên nhiều nội dung, thông lệ và đảm bảo không trái với các quy định pháp luật. Bộ Quy tắc được tạo ra để phục vụ lợi ích chung của các tổ chức tín dụng, lấy quy định chung làm gốc.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao việc Hiệp hội Ngân hàng phối hợp, triển khai và thành lập Tổ Công tác một cách gấp rút, nhanh chóng.
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng, Bộ Quy tắc có ý nghĩa thiết thực và quan trọng cho thị trường ngoại hối, hỗ trợ rất nhiều cho Vụ Quản lý ngoại hối cũng như các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý các giao dịch chuyển tiền quốc tế. Đây cũng sẽ là căn cứ, cơ sở của các ngân hàng khi cần làm việc với các cơ quan quản lý pháp luật.
Mặt khác, ông Đào Xuân Tuấn cũng lưu ý, Bộ Quy tắc cần được xây dựng dựa trên tính khách quan, khái quát, bao trùm, tránh việc đi vào chi tiết dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn. Đồng thời, cần gắn với lợi ích chung của tất cả các bên liên quan.
Lưu ý với Tổ Công tác, ông Đào Xuân Tuấn cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể, lộ trình rõ ràng và quyết tâm cao trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc. Vụ Quản lý ngoại hối sẽ hỗ trợ tối đa, thúc đẩy đảm bảo hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB cho biết, để xây dựng được Bộ Quy tắc vừa phù hợp với thị trường, vừa tuân thủ quy định pháp luật, cần thống nhất các tiêu chí, chuẩn mực cơ bản để đưa ra những quy tắc tốt nhất. Như vậy, Bộ Quy tắc sẽ bảo đảm được an toàn cho hệ thống và là công cụ quan trọng để bảo vệ tất cả cán bộ nhân viên của TCTD.
Trên tinh thần đó, Tổ Công tác cần cố gắng xây dựng dựa trên đánh giá, kiểm kê các hồ sơ chứng từ tiêu chuẩn, phù hợp với thị trường, thống nhất, bao trùm, phù hợp thực tiễn; đảm bảo sau này khi thị trường có biến động hoặc những hiện tượng phát sinh mới có thể điều chỉnh lại một cách nhanh chóng dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Ngân hàng.
Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Tổ Công tác đã khai mở một số vấn đề vướng mắc ban đầu liên quan đến vấn đề xây dựng hệ thống số theo tiến độ, kiểm soát hạ tầng; trung gian thanh toán, giao dịch định cư, luật cư trú đối với người nước ngoài…
Các thành viên Tổ Công tác cũng đã thống nhất các nguyên tắc, cách thức kiểm tra, phương thức áp dụng bộ khung chung và quy trình trong việc xây dựng Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế. Theo đó, thời gian dự kiến hoàn thành dự thảo Bộ Quy tắc vào cuối tháng 1/2023. Sau khi gửi xin ý kiến góp ý của các bộ ngành, thời gian dự kiến hoàn thành ban hành Bộ Quy tắc vào cuối quý II/2024.