Yên Bái điều chỉnh mục tiêu “phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc” của nhiệm kỳ trước thành “quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”. An Giang phấn đấu đến năm 2025 kinh tế địa phương thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt mức trên trung bình cả nước…
Khí thế xung phong trên mọi “mặt trận”, nhưng đến mục tiêu thu ngân sách thì không ít địa phương đưa ra những bước chân… rón rén. Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 mới có thể tự cân đối ngân sách, trong khi lẽ ra mục tiêu này có thể nỗ lực thực hiện được ngay trong năm nay, nếu như không vướng vào đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với Hà Nam vào năm 2019 nhận xét nơi đây vẫn phát triển dưới tiềm năng. Ông động viên nếu cố gắng hơn nữa, thì Hà Nam sẽ phát triển tốt hơn và không còn phải trông chờ vào ngân sách trung ương từ năm 2020, hoặc chậm lắm là năm 2021 sẽ tự cân đối được ngân sách.
Yên Bái có mức tăng thu ngân sách trong 5 năm qua đạt tới trung bình 22%/năm và đến năm 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.500 tỷ đồng, bằng 158% so với dự toán, bằng 109% chỉ tiêu phấn đấu tỉnh giao, tăng 12% so với năm 2018 thực hiện. Thế nhưng giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái đặt ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Kon Tum cũng vừa qua một năm cán đích với kết quả đẹp chưa từng có về thu ngân sách nhà nước. Năm 2019, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.124 tỷ đồng, bằng 126,6% dự toán, cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Kon Tum. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn liên tục tăng qua các năm. Nhưng mục tiêu cho nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, địa phương này “rón rén” với con số thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 thu ngân sách nhà nước của tỉnh Nam Định gấp 2,1 lần nhiệm kỳ trước. Năm 2019, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.605,5 tỷ đồng, bằng 112,1% dự toán, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo tỉnh nhìn nhận thu ngân sách còn thấp so với các địa phương trong vùng và đề ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng…
Nhìn từ bức tranh như vậy để thấy rõ hơn về những nỗi vất vả của Chính phủ trong cân đối ngân sách khi hiện chỉ mới có 16 địa phương tự chủ được “túi tiền” của mình và có điều tiết về trung ương, còn lại 47 địa phương đều phải trông chờ hỗ trợ. Vấn đề hàng đầu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra khi làm việc với các địa phương luôn là thu ngân sách, con số này cho thấy lãnh đạo địa phương có nỗ lực đưa địa phương của mình tự lực, tự cường trong phát triển hay không.
Không muốn phụ lòng Chính phủ, năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, 63/63 tỉnh, thành đều vượt thu ngân sách, là minh chứng sinh động cho sự đồng loạt vươn lên của lãnh đạo tỉnh, thành. Có tỉnh vượt nhiều, tỉnh vượt ít, nhưng không tỉnh nào chịu đứng im trong cuộc đua này.
Giờ đây, dù còn khá “rón rén” trong đề ra kế hoạch, nhưng “cuộc đua” hẳn là sẽ vẫn tiếp tục sôi động trong nhiệm kỳ tới.