Tập đoàn Ecopark lên tiếng vì bị "nhái" thương hiệu
Ngày 5/7/2021, Tập đoàn Ecopark (Ecopark) đã có văn bản số 0507 gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết vụ việc sử dụng nhãn hiệu ECO PARK tại dự án Mũi Dinh Ecopark của Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty Cổ phần Crystal Bay.
Theo đó, Ecopark khẳng định doanh nghiệp này là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu "ECO PARK, Ecopark" từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty Cổ phần Crystal Bay đã sử dụng cụm từ "Mũi Dinh Ecopark" cho dự án tại tỉnh Ninh Thuận đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, xâm phạm nhãn hiệu ECO PARK đã được bảo hộ của Tập đoàn Ecopak".
"Chúng tôi đã xem xét và đánh giá rằng, cụm từ "Mũi Dinh Ecopark" gồm hai thành tố "Mũi Dinh" và "Ecopark", trong đó "Mũi Dinh" là tên địa danh và không có khả năng phân biệt, do đó không có khả năng bảo hộ. Thành phần chữ Ecopark còn lại dù thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào vẫn giống về cấu tạo, phát âm, ngữ nghĩa và tương tự với nhãn hiệu ECO PARK đã được bảo hộ và đang sử dụng hợp pháp. Nghiêm trọng hơn, các dấu hiệu này được sử dụng cho hàng hóa trùng với hàng hóa đã đăng ký kèm theo nhãn hiệu Ecopark", văn bản của Ecopark cho biết.
Phối cảnh dự án Mũi Dinh Ecopark. (Ảnh: Cafef.vn) |
Theo Tập đoàn Ecopark, hành vi sử dụng thương hiệu đã được bảo hộ Ecopark vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngày 26/1/2021 doanh nghiệp này đã gửi văn bản số 21 yêu cầu F.I.T và Crystal Bay chấm dứt sử dụng dấu hiệu vi phạm và gỡ, bỏ hoàn toàn thông tin quảng cáo, văn bản, tài liệu chứa dấu hiệu vi phạm trước ngày 30/1/2021.
Tuy nhiên, đến nay đã 5 tháng trôi qua, F.I.T và Crystal vẫn không hợp tác và chấm dứt hành vi đã vi phạm. Bằng văn bản số 0507 ngày 5/7/2021, Ecopark một lần nữa yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty Cổ phần Crystal Bay chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu ECO PARK dưới mọi thông tin, giấy tờ, tài liệu tại Việt Nam.
Cùng với đó, gỡ, hủy bỏ toàn bộ thông tin quảng cáo, văn bản, tài liệu chưa dấu hiệu vi phạm. Cam kết không cung cấp các hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo, gắn biển... trong tất cả các giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo liên quan đến bất động sản.
Ecopark cho biết, trong trường hợp F.I.T và Crystal Bay tiếp tục không hợp tác chấm dứt hành vi vi phạm, Tập đoàn này sẽ thực hiện quyền tự bảo vệ theo quy định pháp luật, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc đưa thông báo rằng nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo về việc vi phạm lên các cơ quan báo chí, khiếu nại tới các cơ quan quản lý Nhà nước để yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm theo quy định pháp luật, khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ecopark cũng gửi đề nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Cục sở hữu Trí tuệ Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Chánh thanh tra Sở Khoa học Công nghệ, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng... căn cứ thẩm quyền của mình thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền sử hữu công nghiệp và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp của Tập đoàn Ecopark.
Cần có chế tài từ cơ quan chức năng
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, để chống lại tình trạng thông tin giả mạo trong lĩnh vực bất động sản cần nhiều giải pháp, trong đó cần sự nghiêm minh và quyết liệt từ các cơ quan Nhà nước. Doanh nghiệp cũng cần tiến hành các vụ xử lý để tuyên chiến với vấn nạn này.
Bên cạnh đó, người dân cũng phải nâng cao cảnh giác, phát hiện, thông báo khi thấy hành vi giả mạo thương hiệu. "Dấu hiệu để nhận biết hành vi giả mạo thương hiệu không khó. Thường các sản phẩm này rao bán giá rẻ hơn giá thông thường, chất lượng dự án thấp, tính pháp lý kém, nhiều khi là dự án ma. Nếu người dân mua phải sẽ gặp rất nhiều rủi ro", đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Trao đổi với Báo Đầu tư về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Bích Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, mặc dù pháp luật đã có quy định về việc sử dụng tên doanh nghiệp tránh gây nhầm lẫn, song các đối tượng với ý đồ xấu vẫn bất chấp thủ đoạn gian lận thương mại nhằm lừa dối người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ xảy ra trong ngành bất động sản, mà với rất nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Theo Luật sư Nguyễn Bích Trâm, khi phát hiện thương hiệu của mình có dấu hiệu bị xâm phạm, doanh nghiệp cần thông báo và yêu cầu bên vi phạm đổi tên. Tiếp theo, nên gửi công văn tới cơ quan chức năng để báo cáo về sự trùng lặp thương hiệu, đồng thời nên đưa ra thời gian cụ thể cho phía vi phạm thương hiệu khắc phục.
“Nếu hành vi vi phạm thương hiệu vẫn tiếp diễn, ngay khi có đủ bằng chứng, doanh nghiệp cần khởi kiện ra tòa, phối hợp với việc công bố rộng rãi để công chúng và khách hàng biết cách phòng tránh”, Luật sư Trâm khuyến nghị.
Vị luật sư này nhấn mạnh, việc khởi kiện, tỏ thái độ quyết liệt và cứng rắn là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời và đề phòng các doanh nghiệp “nhái” thương hiệu có hành vi lừa dối, lừa đảo người mua hàng, gây mất uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW nhận định, việc "nhái" thương hiệu trong kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp nhái gây ra các sự cố, scandal có thể tác động nghiêm trọng tới uy tín, doanh thu cụ thể của thương hiệu bất động sản.
Tuy nhiên, Luật sư Hà cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều thương hiệu bị nhái, nhưng rất ít vụ việc được các bên đem ra cơ quan pháp luật để xử lý, gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới chủ sở hữu nhãn hiệu.
Dự án Mũi Dinh Ecopark có tổng mức đầu tư 1,2 tỉ USD, trên quy mô gần 800 ha ở tỉnh Ninh Thuận. Dự án Mũi Dinh Ecopark được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt và được Chính phủ chấp thuận với 5 phân khu chính: Phân khu resort cao cấp ở Bãi Tràng, khu biệt thự trên núi, khu khách sạn trung tâm, khu khách sạn và resort san hô, khu công viên chuyên đề, công viên bờ biển, công viên nước và công viên sa mạc. Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty Cổ phần Crystal Bay là chủ đầu tư siêu dự án này. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T (tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T) thành lập vào ngày 8/3/2007, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn đầu tư và dịch vụ tài chính. Năm 2020, Tập đoàn ước đạt doanh thu trên 1.178 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 107 tỉ đồng. Còn Công ty Tập đoàn Crystal Bay của đại gia Nguyễn Đức Chi nổi lên là nhà phát triển hàng đầu ở loại hình bất động sản với một loạt các dự án như: Sunbay Park Hotel & Resort, Ninh Chữ Sailing Bay, Cam Ranh Spa & Resort, Ecopark Mũi Dinh... Đóng vai trò hạt nhân trong "hệ sinh thái" Crystal Bay là Công ty Cổ phần Crystal Bay (Crystal Bay). Năm 2019 Công ty Cổ phần, Crystal Bay ghi nhận doanh thu thuần 24,9 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 122 triệu đồng. |
Theo Kinh tế Môi Trường