Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch đầy giằng co giữa bên mua và bên bán. Chỉ số giảm mạnh trong phiên đầu tuần do tâm lý thận trọng trước thềm công bố lạm phát Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, tâm lí tích cực đã trở lại khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát giảm mạnh hơn so với dự báo.
Đồng thời, những động thái hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước như (1) Bộ Tài Chính công bố dự thảo sửa đổi Nghị Định 65 về trái phiếu doanh nghiệp với nhiều điều khoản hỗ trợ thị trường hơn và (2) NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng cũng hỗ trợ thị trường chung.
Khép lại tuần giao dịch giằng co, VN-Index tăng nhẹ lên mức 1.052 điểm. Thanh khoản tuần qua cũng hạ nhiệt với giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn về 16.156 tỷ đồng/phiên.
Nhận định về bối cảnh thị trường hiện tại, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS nhận định TTCK đang tạo đáy, nhưng kinh tế vĩ mô chưa tạo đáy.
Những khó khăn của nền kinh tế có thể vẫn ở phía trước khi lãi suất và tỷ giá tiếp tục chịu áp lực khi Fed tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhớ TTCK sẽ phản ánh tương lai và đi trước diễn biến của kinh tế vĩ mô từ 3-6 tháng. Nhìn sang nền kinh tế của các nước Âu Châu khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều, song TTCK của họ vẫn hồi phục khá tốt kể từ đáy.
Chuyên gia MBS cho rằng có thể nhiều người đang chờ đợi VN-Index test lại đáy cũ, thậm chí giảm sâu hơn. Tuy nhiên điều này rất khó xảy ra, bởi những khó khăn phía trước đã phản ánh đáng kể vào đà giảm thị trường.
Nhìn về năm 2023, chuyên gia đánh giá TTCK sẽ phục hồi, nhưng quá trình phục hồi khá dài và còn nhiều gập ghềnh. Nửa đầu năm sau thị trường có thể đi ngang 1-2 tháng xen lẫn những nhịp điều chỉnh. Sang đến nửa cuối năm 2023, quá trình tăng lãi suất dự báo tạo đỉnh và hạ nhiệt sẽ giúp TTCK đi lên mạnh mẽ.
"Một vài tháng nữa chúng ta sẽ thấy lạm phát sẽ bình ổn trở lại, cuối năm sau lãi suất cũng sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2023. Nên nhớ một khi lãi suất giảm, tốc độ giảm sẽ rất nhanh, bởi mức lãi suất hiện tại đang neo ở mức cao. Như vậy, năm 2024 sẽ là một năm đầu tư rất tuyệt", chuyên gia MBS nhận định.
Trong bối cảnh này, chuyên gia cho rằng mỗi nhà đầu tư cần đưa ra hành động phù hợp.
Với những người vẫn đang “gồng lỗ” từ lúc thị trường khó khăn nhất, cần rà soát lại danh mục nắm giữ, chọn lọc những cổ phiếu tốt có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023, ít đòn bẩy.
Với những người đang cầm tiền mặt, ông Tuấn cho rằng có thể họ đã may mắn thoát được những “cú sập” của thị trường và đang chờ đợi những biến chuyển của nền kinh tế. Những nhà đầu tư này thường sẽ gặp áp lực tâm lý rất lớn, không dám giải ngân và bỏ lỡ những nhịp hồi phục của thị trường.
Lời khuyên của chuyên gia đưa ra là nhà đầu tư có thể dùng một phần vốn nhỏ, tham gia trong những phiên điều chỉnh để cân bằng tâm lý. Những người đứng ngoài thường rất bi quan và thường có xu hướng tìm kiếm những thông tin tiêu cực để minh chứng cho sự bi quan đó.
Với những nhà đầu tư muốn "lướt sóng", điều quan trọng vẫn là chọn cổ phiếu theo dòng tiền. Thời gian gần đây, dòng tiền thường chảy vào nhóm trụ như bank, chứng khoán, thép. Trong những nhóm đó, nên chọn cổ phiếu đầu ngành, beta cao, khối ngoại mua ròng mạnh để theo dõi. Khi có những tín hiệu kỹ thuật xác nhận thì có thể giải ngân.
Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh khi dòng tiền rẻ không còn, con đường thị trường đi lên sẽ còn nhiều gập ghềnh và không thể bứt phá quá mạnh mẽ. Những nhịp phục hồi sẽ mang tính phân hóa và chọn lọc, do vậy câu chuyện lựa chọn cổ phiếu rất quan trọng.
Nếu nhà đầu tư nhận thấy cổ phiếu không đạt được hai tiêu chí (1) định giá rẻ (2) tiềm năng tăng trưởng tốt thì cần cân nhắc việc cơ cấu danh mục. Khi nhịp chỉnh xảy ra, những cổ phiếu tốt sẽ giảm nhẹ, sau đó bật tăng mạnh hơn. Ngược lại, những cổ phiếu yếu kém sẽ giảm sâu, nhưng mức phục hồi lại rất thấp.