Nhà máy Masan sản xuất gây ô nhiễm : Người dân kêu cứu nhiều năm không được xử lý

TC KIỂM SÁT 16:26 20/01/2021

Hàng trăm hộ dân sống trong Khu dân cư Phát triển đô thị Tân Đông Hiệp, phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, Bình Dương kêu cứu vì tình trạng nhà máy Masan sản xuất trên địa bàn gây ô nhiễm mùi hôi, thối

nồng nặc diễn ra kéo dài trong nhiều năm. Theo người dân mùi hôi thối phát ra từ khu vực xử lý nước thải và khu sản xuất của nhà máy Masan đóng trên địa bàn.

Sống khổ sở vì mùi hôi quá nồng nặc

Phản ánh về tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất của nhà máy Masan gây ra, nhiều người dân cho biết, tình trạng ô nhiễm diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Cụ thể là hằng ngày người dân đều phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc ra. Đã có những người già và trẻ em bị mùi hôi này làm cho khó thở, viêm họng, rát cổ, tức ngực, đau nhức đầu, chóng mặt ói mửa…rất nguy hiểm và độc hại.

Để xác thực thông tin theo đơn thư phản ánh, phóng viên đã có mặt trong khu dân cư nêu trên, ghi nhận thực tế cho thấy, vừa đặt chân đến nơi đây đã cảm nhận được thứ mùi hôi rất khó thở. Vào những lúc có gió nổi lên, cả khu dân cư Lê Phong 1 bị bao trùm bởi mùi hôi, thối nồng nặc rất khó chịu. Bên trong khu dân cư nhà cửa được xây dựng khang trang, có nhiều người sinh sống nhưng luôn trong tình trạng “đóng cửa then cài”, đến mức người dân treo biển bán nhà khắp dọc con đường trong dự án vì mùi hôi.

Chị N.T.H, một người dân sống trong dự án khu dân cư này cho biết, vào những lúc trưa và chiều tối khi nhà nhà bắt đầu sum họp trong bữa cơm, lúc này mà có gió nổi lên thì mùi hôi thối nồng nặc, không thể ăn uống được gì. Cũng theo chị H khu dân cư này vốn dĩ đông đúc nhưng do bị ô nhiễm mùi hôi người ở đây ngày càng thưa dần. Tình trạng ô nhiễm mùi hôi trong khu dân cư này đã diễn ra cách đây nhiều năm, người dân cũng có đơn thư phản ánh lên chính quyền địa phương, và nhiều lần tập trung phản đối trước cổng nhà máy sản xuất Masan đóng trên địa bàn nhưng đến nay Masan vẫn giải quyết dứt điểm.

Mùi hôi thối bốc ra từ xưởng gia vị và bể xả nước thải

Theo sự chỉ dẫn của người dân trên địa bàn về nơi xuất hiện mùi hôi thôi nồng nặng, phóng viên đã tiếp cận và ghi lại cảnh nước thải của nhà máy sản xuất Masan xả thải không có sự che chắn, bể nước thải sùng sục giữa trời thoát ra mồi hôi rất khó chịu. Để tìm ra nguyên nhân phát sinh mùi hôi, ô nhiễm phóng viên đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương và được xác nhận là có sự ô nhiễm từ hoạt động sản xuất của nhà máy Masan. Cụ thể, theo văn bản trả lời thông tin của UBND phường Tân Đông Hiệp, ngay sau khi nhận được phản ánh của cử tri, UBND phường đã kiến nghị phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Dĩ An phối hợp kiểm tra. Ngày 16/7/2020, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Dĩ An có gửi văn bản số 526/PTNMT- MT đến Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc phản ánh của công dân về tình trạng ô nhiễm tại công ty TNHH MTV công nghiệp Masan. Ngày 12/8/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, ghi nhận, Công ty Masan sản xuất ngành nghề thực phẩm các loại như nước tương, nước mắm, mì ăn liền,… các khu vực của công ty sát với khu dân cư gồm: Xưởng sản xuất gia vị, trạm xử lý nước thải. Quá trình hoạt động có mùi hôi phát sinh, cụ thể như sau: Tại xưởng sản xuất gia vị, mùi hôi phát sinh từ xưởng gia vị; tại trạm xử lý nước thải, mùi hôi phát sinh từ khu vực xử lý nước thải.

Qua buổi làm việc, công ty cam kết sẽ di dời xưởng gia vị đến địa điểm mới, thời gian hoàn thành trong quý 1/2021; đồng thời có phương án che chắn các bể xử lý, thời gian hoàn thành trong tháng 12/2020.

Trường hợp có căn cứ để xác định nguồn ô nhiễm phát sinh từ nhà máy Công ty Masan gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh khu vực nhà máy, cư dân trong khu dân cư thì Công ty Masan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.Liên quan đến tình trạng ô nhiễm nêu trên Luật sư Lâm Hiền Phước - Công ty luật Phước Tín, Đoàn luật sư TP HCM cho biết, căn cứ các Điều 62, Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì: “Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật”; “Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường”.

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì tổ chức gây ô nhiễm có thể bị xử phạt theo quy định tại các Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 19 Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo một trong các tội tại Điều 235, Điều 236, Điều 237, Điều 240 quy định tại Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (Điều 63, Điều 139, Điều 143) cũng quy định Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường; Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường; Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường trên địa bàn.

Phóng viên nhiều lần liên hệ với phía công ty TNHH MTV công nghiệp Masan để tìm hiểu về phương án giải quyết, khắc phục cụ thể nhưng đến nay vẫn không nhận được bất cứ phản hồi nào từ doanh nghiệp này.

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy Masan sản xuất gây ô nhiễm : Người dân kêu cứu nhiều năm không được xử lý tại chuyên mục Hồ sơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hồ sơ