Tổng cục Thống kê cho hay, nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch Covid-19, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8 giảm 7,1% so với tháng 7, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8/2021 ước tính đạt 34,9 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 6,7 nghìn tỷ đồng, giảm 19,7%; vốn địa phương quản lý 28,2 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8%. Tính chung 8 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%), cụ thể:
Vốn trung ương quản lý đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 20.876 tỷ đồng, bằng 52,8% và tăng 59,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.174 tỷ đồng, bằng 47,6% và giảm 10,8%; Bộ Y tế 1.298 tỷ đồng, bằng 33,8% và giảm 54,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 779 tỷ đồng, bằng 39,2% và giảm 38,1%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 590 tỷ đồng, bằng 44,3% và giảm 0,7%; Bộ Công Thương 435 tỷ đồng, bằng 40,4% và tăng 81,4%; Bộ Xây dựng 385 tỷ đồng, bằng 57,3% và tăng 78,7%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 344 tỷ đồng, bằng 38,1% và tăng 5,4%; Bộ Thông tin và Truyền thông 176 tỷ đồng, bằng 33,2% và tăng 88,2%; Bộ Khoa học và Công nghệ 135 tỷ đồng, bằng 39,4% và tăng 7,9%.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm. |
Vốn địa phương quản lý đạt 203,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 136,8 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% và bằng số cùng kỳ năm 2020; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 54,8% và giảm 4,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 10,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% và giảm 6,2%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2021 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 27.462 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh 13.267 tỷ đồng, bằng 37,1% và giảm 27,4%; Quảng Ninh 11.695 tỷ đồng, bằng 66,1% và tăng 22,2%; Thanh Hóa 6.504 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 2,3%; Hải Phòng 6.431 tỷ đồng, bằng 47,8% và tăng 11,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 5.864 tỷ đồng, bằng 54% và tăng 21%; Bình Dương 5.136 tỷ đồng, bằng 41,6% và giảm 28,4%; Bình Định 4.532 tỷ đồng, bằng 55,2% và tăng 1,5%; Đà Nẵng 4.343 tỷ đồng, bằng 60,2% và tăng 59,8%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 1.135 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 11,33 tỷ USD, giảm 36,8% về số dự án và tăng 16,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 639 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,98 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.720 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,81 tỷ USD, giảm 42,9%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2021 có 40 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước; có 13 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,9 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tài chính Doanh nghiệp