Theo kế hoạch được Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPbank) đặt ra là cuối năm 2020 sẽ bán được 49% cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Tuy nhiên kế hoạch bất thành mà nguyên nhân được cho là do dịch Covid-19.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh sụt giảm, nợ xấu tăng cao nên khả năng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại cổ phần của FE Credit đang trở nên khó khăn...
Không riêng gì VPbank, nhiều ngân hàng khác cũng đang tìm cách rút bớt cổ phần của mình khỏi Công ty tài chính như Ngân hàng Hàng hải (MSB), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB)... Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm mua Công ty tài chính tiêu dùng nhằm thâm nhập vào thị trường tiêu dùng ở đất nước hơn 100 triệu dân này.
ĐUA NHAU RÚT VỐN KHỎI CÔNG TY TÀI CHÍNH
Hiện nay trên thị trường Việt Nam đang có 16 công ty tài chính hoạt động, trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MB, Công ty tài chính bưu điện của SeABank.
Nếu tính cả giai đoạn trước năm 2018 thì có cả Techcom Finance của ngân hàng Techcombank, tuy nhiên đã chuyển nhượng 100% vốn cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc). Trước khi Techcom Finance chia tay Techcombank thì trên thị trường M&A cũng đã ghi nhận MB bán 50% vốn tại MCredit đối tác Nhật Bản là Shinsei Bank và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MB Shinsei.
Trong năm 2020 ghi nhận hai ngân hàng rao bán Công ty tài chính của mình là SHB và VPbank. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của VPbank, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPbank đã thông tin với cổ đông về kế hoạch bán vốn tại Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit. Theo ông Dũng, hiện VPbank đang nắm giữ 100% vốn tại FE Credit và đang giao bán mức tối đa theo quy định cho phép là 49% vốn.
Giới phân tích cũng nhận định, sau khi VPbank niêm yết trên sàn chứng khoán một thời gian sẽ lại tính đến chuyện bán bớt vốn trong FE Credit. Dự đoán của giới phân tích tài chính đã đúng vì sau đó một thời gian VPbank đã tiến hành tìm kiếm nhà đầu tư để bán FE Credit.
Chính ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPbank thừa nhận vào giữa năm 2020 là: "Trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của công ty tài chính FE Credit". Tuy nhiên, "xui" cho VPbank là cuộc rao bán chưa thành công thì thị trường tài chính tiêu dùng đi xuống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo theo lợi nhuận của FE Credit sụt giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2018, nợ xấu cao ở mức 6,9% và đóng góp vào tổng lợi nhuận của VPBank sụt xuống còn 34%.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2020 ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB đã thông tin việc thoái vốn tại Công ty tài chính SHBFC cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Hiện SHBFC có tiền thân là Công ty tài chính Vinaconex Viettel, do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và NHNN nên sáp nhập vào SHB. Hiện SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn.
Cẩn thận hơn VPBank và SHB, tại Đại hội đồng cổ đông của MSB năm 2020 lãnh đạo nhà băng này thông tin đã tìm được nhà đầu tư là Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại FCCOM với giá 42 triệu USD. Việc mua bán đã được ký kết từ cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được NHNN phê duyệt.
NGÂN HÀNG MẸ TOAN TÍNH GÌ?
Do đặc thù của loại hình Công ty tài chính tiêu dùng là thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng, điều kiện vay vốn lại dễ hơn như chỉ cần có chứng minh thư, sổ hộ khẩu là có thể được xem xét cho vay. Khách hàng không nhất thiết phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó thủ tục vay tiêu dùng qua ngân hàng phức tạp và đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn như phải chứng minh được khả năng trả nợ, các khoản vay lớn phải có tài sản thế chấp. Đó là lí do Công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận được đa số khách hàng khi có nhu cầu vay vốn nhanh hơn so với ngân hàng.
Đi cùng với việc cho vay đơn giản, không tài sản bảo đảm và đối tượng vay tiêu dùng phần lớn là những người đang gặp khó khăn tài chính, có nhu cầu vay nhanh nên rủi ro nợ xấu cũng cao hơn cho vay tiêu dùng ngân hàng. Do đó, để kiểm soát nợ xấu trên thị trường vốn Chính phủ đã siết thủ tục thành lập Công ty tài chính tiêu dùng với nhiều điều kiện khó. Đó là lí do thời gian qua Việt Nam chưa cấp phép thành lập mới công ty tài chính tiêu dùng nào. Do đó, để tham gia thị trường này, nhà đầu tư chỉ còn cách thông qua mua lại các công ty đang hoạt động.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, làn sóng rút một phần vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng của các ngân hàng mẹ là do thị trường vay tiêu dùng đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt vì lợi nhuận đem lại vẫn hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường này.
Đại dịch Covid-19 tác động khiến thị trường tín dụng tiêu dùng sụt giảm. Chỉ khi nền kinh tế đi lên, thì nhu cầu mua sắm tăng cao, tín dụng tiêu dùng mới tăng và an toàn. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm cho chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng bị sụt giảm, kết quả kinh doanh của nhiều công ty giảm mạnh. Báo cáo mới đây của FinGroup cũng cho biết, năm 2020, thị trường tài chính tiêu dùng lần đầu tiên trong một thập kỷ ghi nhận tăng trưởng ở mức một con số.
Bên cạnh đó, Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận của các công ty này gặp khó khăn. Theo đó, mức trần của các khoản vay bằng tiền mặt bị khống chế. Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%, còn từ 1/1/2024 là 30%. Trong khi đó phần lớn khách hàng đến với công ty tài chính tiêu dùng là có nhu cầu tiền mặt, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính này mua hàng khá thấp. Như ở FE Credit có thời điểm cơ cấu cho vay tiền mặt lên tới 76%, HD SAISON cơ cấu cho vay tiền mặt 33%, MCredit cho vay tiền mặt 70%...
Một nguyên nhân nữa là do các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là các công ty 100% vốn của các ngân hàng đang gây nhiều tiếng xấu trong dư luận, thậm chí tại diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu đã lên tiếng chỉ trích.
Đó là các hành vi "khủng bố" điện thoại, dùng ảnh cá nhân của khác hàng trả chậm, thậm chí ảnh người thân, hàng xóm của khách hàng, những người không liên quan đến giao dịch vay vốn và đưa lên mạng xã hội để "khủng bố tinh thần"... Những điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngân hàng mẹ trên thị trường bán lẻ. Do đó, khi có được những đối tác nước ngoài với mô hình hoạt động chuyên nghiệp sẽ chấn chỉnh hoạt động này, đem lại cái nhìn thiện cảm về tín dụng tiêu dùng.