Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng bằng đồng VND không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn, trong khi tăng 0,04 điểm % ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên trước đó, cụ thể: kỳ hạn qua đêm là 0,19%; 1 tuần là 0,29%; 2 tuần là 0,40% và 1 tháng là 0,69%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng bằng đồng USD giữ nguyên ở các kỳ hạn từ 2 tuần trở xuống và tăng 0,02 điểm % ở kỳ hạn 1 tháng, giao dịch tại: kỳ hạn qua đêm là 0,19%; 1 tuần là 0,27%; 2 tuần là 0,38%; 1 tháng là 0,65%.
Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm là 1,26%; 5 năm là 1,95%; 7 năm là 2,52%; 10 năm là 2,97%; 15 năm là 3,14%.
Phiên ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.235 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được niêm yết lần lượt ở mức 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.
Tỷ giá chốt phiên trên thị trường liên ngân hàng tại 23.200 VND/USD, giảm trở lại 12 đồng so với phiên ngày 30/6. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.190 - 23.220 VND/USD.
Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Ngày 1/7, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 14.250/14.750 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 97%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm huy động toàn bộ lần lượt 9.000 tỷ đồng, 3.750 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu; riêng kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu lần lượt tại 2,95% (-0,03%); 3,11% (-0,04%); 3,39% (-0,03%).
Phiên hôm qua, các chỉ số trên thị trường chứng khoán hồi phục khi dòng tiền có dấu hiệu mua trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,38 điểm (+2,23%) lên 843,49 điểm, kết thúc chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp; HNX-Index tăng 1,93 điểm (+1,76%) lên 111,69 điểm; UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,95%) lên 56,05 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường không được cải thiện so với phiên trước đó với giá trị giao dịch khoảng trên 5.100 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 116 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI của Việt Nam đạt kết quả 51,1 trong tháng 6 so với 42,7 trong tháng 5 và nằm trên ngưỡng trung tính 50 điểm lần đầu tiên trong 5 tháng.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng lần đầu tiên trong năm tháng, với mức tăng mạnh và nhanh nhất trong gần một năm, tuy nhiên số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại giảm do những hạn chế trong di chuyển quốc tế và tình trạng đóng cửa công ty ở một số thị trường xuất khẩu.
Sản lượng cũng có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 6 nhờ tác động của lĩnh vực hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, năng lực sản xuất chưa được sử dụng hết. Lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm, trong khi lực lượng lao động giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
Theo TT Tài chính Tiền tệ