Ngày 24/6, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
ĐHĐCĐ PGBank thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu: Tổng tài sản đến 31/12/2020 dự kiến đạt 33.993 tỷ đồng, tăng 7,7%; Tổng huy động đạt 29.550 tỷ đồng tăng 8,3%, trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 27.150 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9%; Dư nợ cho vay khách hàng đạt 25.257 tỷ đồng tăng trưởng 6,6% so với 2019, tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng kế hoạch là 5%. Vốn điều lệ dự kiến tăng 300 tỷ lên 3.300 tỷ đồng.
Dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 190 tỷ đồng, tăng 112% so với năm trước chủ yếu do giảm chi phí dự phòng xuống chỉ bằng 42,5% so với năm 2019, còn 232 tỷ đồng.
Đại diện của Petrolimex sở hữu 40% vốn tại PGBank "sốt ruột" với kế hoạch sáp nhập của ngân hàng với HDBank |
Năm 2020, PG Bank dự kiến thu hồi tổng cộng 521 tỷ đồng nợ xấu; trong đó, nợ xấu nội bảng là 201 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 268 tỷ đồng (kể cả thu từ những khoản vay đã tất toán trái phiếu), thu nợ (gốc, lãi) đã sử dụng dự phòng rủi ro là 52 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ PGBank cũng thông qua kế hoạch đăng ký lưu ký và giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.
Đáng chú ý, tại đại hội, vấn đề sáp nhập PGBank với HDBank tiếp tục gây băn khoăn cho cổ đông. Đại diện Petrolimex, ông Trần Ngọc Năm, Thành viên HĐQT - cổ đông sở hữu 40% vốn PGBank cho biết, sẽ thoái vốn nếu việc sáp nhập với HDBank không thực hiện trước ngày 31/8.
"Chúng ta không thể tiếp tục chờ đợi việc sáp nhập. Bao nhiêu tâm huyết của các cổ đông dồn vào ngân hàng. Là cổ đông lớn chúng tôi thậm chí còn áp lực hơn những cổ đông khác", ông Năm nói.
Ông Năm cho biết, Petrolimex đang chịu áp lực phải thoái phần vốn góp tại PGBank do vượt quá tỷ lệ theo quy định.
Theo ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PGBank, hiện tại ngân hàng này và HDBank vẫn trong quá trình thực hiện sáp nhập. Vướng mắc lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thông qua đề án cuối cùng. Trước đó, cơ quan quản lý đã chấp thuận về mặt nguyên tắc từ tháng 9/2018.
Theo Nhà đầu tư