Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tăng trưởng tín dụng đến 16/6 đạt 2,13%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (5,7%). Trong đó, tín dụng nông nghiệp tăng 0,3%, tín dụng xuất khẩu tăng 4,94%, tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 2,92% so với đầu năm, công nghiệp phụ trợ 2,27%, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và tín dụng tiêu dùng cũng giảm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN. Ảnh: Internet |
Trước đó, ông Hùng cho biết tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. “Đây là tình hình chung, cũng lo nhưng phải chịu”, ông Hùng nói. Vụ trưởng Tín dụng nhận định không thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vì dễ phát sinh nợ xấu, do đó, không thể hạ chuẩn cho vay.
Người đứng đầu vụ tín dụng cũng đề cập khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngành ngân hàng đã tiến hành rà soát, đánh giá số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch.
Trong tháng đầu tiên số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 300.000 tỷ đồng, tháng tiếp theo tăng lên 900.000 tỷ đồng và 2 tháng sau đó nâng lên 1,8 - 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ, chưa tính đến số dư nợ bị ảnh hưởng gián tiếp.
NHNN đã vào cuộc rất sớm, ban hành Thông tư 01 tạo hành lang pháp lý để cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các TCTD đã hạ lãi suất cho vay 0,5-2,5 điểm phần trăm, cá biệt có nơi giảm 3-4 điểm phần trăm. Sau hơn 2 tháng triển khai, đến 25/5, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng, với dư nợ 152.000 tỷ đồng, miễn giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng.
TCTD cũng cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng. Lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5-2,5% so với trước dịch.
Theo Người đồng hành