Bản tin thị trường tháng 5/2020 vừa được nhóm nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV công bố cho thấy, giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP) trên thị trường sơ cấp trong tháng 5 đã sôi động trở lại với tỷ lệ trúng thầu đạt bình quân khoảng 70%, cao hơn khoảng 51% so với giá trị giao dịch của tháng 4 và tương đương so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, KBNN đã huy động thành công khoảng hơn 18 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, đạt tỷ lệ khoảng 28% so với kế hoạch của quý II/2020. Như vậy, tính từ đầu năm, KBNN đã huy động thành công khoảng 54 nghìn tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch phát hành TPCP của cả năm 2020 (khoảng 260 nghìn tỷ đồng).
Lãi suất trúng thầu sơ cấp trong tháng 5 tiếp tục có xu hướng tăng khoảng 15-40 điểm ở các kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm, lên mức lần lượt: 2,90%/năm; 3,07%/năm và 3,43%/năm. Qua đó, mặt bằng lãi suất sơ cấp cũng được kéo thu hẹp còn thấp hơn khoảng 10-20 điểm so với mức lãi suất thứ cấp cùng kỳ hạn.
Giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng ghi nhận bước đột phá khi đạt giá trị giao dịch bình quân khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với bình quân của tháng trước và cao hơn khoảng 77% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặt bằng lãi suất các kỳ hạn chính 10 năm và 15 năm nhìn chung duy trì đi ngang trước khi điều chỉnh tăng khoảng 10-15 điểm trong khoảng 1 tuần cuối tháng. Tại thời điểm cuối tháng, lãi suất TPCP các kỳ hạn 2, 5, 10 và 15 năm lần lượt ở mức: 1,37%; 2,11%; 3,10% và 3,25%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia mặt bằng lãi suất TPCP thứ cấp có xu hướng đi ngang/tăng nhẹ khi chịu ảnh hưởng giằng co của một số yếu tố tác động như:
Thứ nhất, nguồn cung trên thị trường sơ cấp có xu hướng được cải thiện khi KBNN tăng dần khối lượng gọi thầu và lãi suất trúng thầu trong tháng trong bối cảnh áp lực phát hành lớn dần do cân đối thu chi NSNN đã chuyển sang trạng thái thâm hụt.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 5, Việt Nam ghi nhận thâm hụt ngân sách gần 26 nghìn tỷ đồng, trong đó thu ngân sách đang có xu hướng khó khăn dần do tác động của Nghị định số 41/2020/NĐ- CP và các giải pháp cắt giảm thuế, phí lệ phí cho doanh nghiệp; trong khi các khoản chi cũng có xu hướng tăng mạnh để giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19, đặc biệt đến từ cấu phần chi đầu tư – phát triển;
Thứ hai, tâm lý thị trường đa phần duy trì thận trọng khi thâm hụt NSNN có xu hướng tăng và KBNN cũng tăng khối lượng phát hành.
Thứ ba, NHNN điều hành chính sách theo hướng nới lỏng mạnh mẽ hơn khi hạ mặt bằng lãi suất điều hành thêm 50 điểm, đồng thời bơm khoảng 100 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn ra ngoài thị trường. Mặt bằng lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng cũng có xu hướng giảm mạnh khoảng 170-180 điểm đối với các kỳ hạn ngắn qua đêm – 1 tuần khi nền thanh khoản duy trì hết sức dồi dào.
“Mặt bằng lãi suất TPCP được dự báo tiếp tục xu hướng giằng co đi ngang trong tháng 6, với bình quân cả tháng dự kiến trong biên độ khoảng 2,0-2,2% với kỳ hạn 5 năm và 3,0-3,1% với kỳ hạn 10 năm”, nhóm nghiên cứu của BIDV nhận định.
Theo nhóm nghiên cứu, xu hướng của lãi suất được dự báo sẽ phụ thuộc lớn vào điều tiết khối lượng phát hành sơ cấp của KBNN trong bối cảnh các yếu tố tác động giảm được duy trì: NHNN duy trì chính sách nới lỏng thận trọng; mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng dự kiến ở mức thấp.
Theo TT Tài chính Tiền tệ