Nhà nước nêu đích danh ngân hàng tự ý cấp tín dụng vượt hạn mức được phép

NHVN 09:25 20/07/2021

Nhiều thiếu sót của ngành ngân hàng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như tăng trưởng vượt trần tín dụng, phân loại nợ chưa phù hợp, không kiểm soát việc sử dụng vốn vay..

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020; trong đó bao gồm các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 4 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và năm 2018 của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước đánh giá, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 2,79%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; giảm lãi suất điều hành 02 lần. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng (PVCombank) vượt 13.656 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vượt 8.654 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt vượt 3.153 tỷ đồng; Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng; Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh vượt 192 tỷ đồng; Ngân hàng Busan – Chi nhánh Hồ Chí Minh vượt 83 tỷ đồng; Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga vượt 69 tỷ đồng.

Kiểm toán cũng chỉ rõ, ngoại trừ các trường hợp năm 2020 các ngân hàng đã trích lập đầy đủ dự phòng hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán Nhà nước không điều chỉnh giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Vietcombank 1.940,2 tỷ đồng; không điều chỉnh tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Agribank 1.357,58 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán còn điều chỉnh giảm chi phí dự phòng tại Vietcombank 183,87 tỷ đồng, tăng chi phí dự phòng tại Agribank 97,16 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng các ngân hàng còn nhiều hạn chế như thẩm định thiếu chặt chẽ, định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm, giải ngân bằng tiền mặt không có hoặc thiếu chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; không kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay…

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước quy định việc xác định giá trị tài sản đảm bảo, việc hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính chưa phù hợp.

Cụ thể, việc xác định giá trị tài sản bảo đảm cho thuê tài chính theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 chưa căn cứ vào giá trị thực tế hợp lý của tài sản mà phụ thuộc vào dư nợ cho thuê, chưa phản ánh đúng bản chất của tài sản bảo đảm.

Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng (PVCombank) vượt 13.656 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vượt 8.654 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt vượt 3.153 tỷ đồng; Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng.

Đồng thời, việc hạch toán, theo dõi, phản ánh giá trị tài sản cho thuê tài chính theo giá gốc ban đầu theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-NHNN ngày 17/01/2018 chưa phù hợp với nguyên tắc giá trị tài sản cho thuê giảm dần và được chuyển giao cho bên đi thuê khi hết thời gian thuê.

Riêng về Ngân hàng Chính sách xã hội, Kiểm toán Nhà nước đánh giá đơn vị này xoá nợ 19,44 tỷ đồng cho nhiều khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của chính quyền cấp xã, không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015.

Trong đó, có 17 trường hợp vẫn đóng bảo hiểm xã hội; điều chỉnh kế hoạch vốn Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa kịp thời dẫn đến năm 2018, 2019 có 3.135 trường hợp không được vay lãi suất ưu đãi tương ứng tiền lãi ưu đãi 2,56 tỷ đồng; áp dụng thời gian ân hạn 12 tháng đối với hầu hết các khoản cho vay học sinh, sinh viên không phù hợp quy định tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTg (chỉ áp dụng trong trường hợp học sinh sinh viên ra trường chưa có việc làm/không có thu nhập); chính sách giảm lãi cho học sinh sinh viên khi trả nợ trước hạn còn bất cập.

Đối với khía cạnh áp dụng công nghệ thông tin, Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận Ngân hàng Chính sách xã hội chưa triển khai quản trị hệ thống công nghệ thông tin đầy đủ theo định hướng, kế hoạch và quy định của Ngân hàng Nhà nước; khả năng hỗ trợ quản lý của hệ thống công nghệ thông tin chưa hiệu quả; chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin vào các nghiệp vụ liên quan đến báo cáo tài chính còn hạn chế.

Tại Vietcombank, đến cuối năm 2019, một số nghiệp vụ kế toán tài chính chưa được hoàn toàn tự động hạch toán trên các hệ thống công nghệ thông tin, một số dữ liệu chấm điểm xếp hạng tín dụng chưa được rà soát toàn diện dựa trên các nguồn dữ liệu sẵn có của đơn vị.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/ngan-hang-tu-y-cap-tin-dung-vuot-han-muc-duoc-phep-35803.html?fbclid=IwAR19Qu0JN-zPAaLmYBlEaW1CS0I9f-uybhrQqTdDg0C1Bzb0xdtP_gNiEkY

Bạn đang đọc bài viết Nhà nước nêu đích danh ngân hàng tự ý cấp tín dụng vượt hạn mức được phép tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết