Phát biểu tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam, trong cả khu vực chính thức và phi chính thức có tốc độ tăng rất nhanh trong 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, giai đoạn 2003-2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam chỉ đạt trung bình 3,8 lít/ người/năm; giai đoạn 2008-2010 là 6,6 lít/ người/năm và đạt 8,3 lít/ người/năm trong giai đoạn 2015-2017.
“Như vậy, trong khoảng 10 năm, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của một người trong năm đã tăng hơn gấp đôi, với tốc độ tăng trung bình lên tới 8,1% năm” – ông Nguyễn Hoa Cương thông tin.
Nghiên cứu được CIEM thực hiện trong bối cảnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành với đồ uống có cồn – phương pháp thuế tương đối - được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, bảo vệ sức khỏe người dân cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhất là khi khu vực đồ uống có cồn phi chính thức vẫn đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ.
Theo CIEM, thuế tương đối cũng không phù hợp với thực tiễn quốc tế khi phần lớn các nước phát triển, các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á đã chuyển sang thuế tuyệt đối (tính trên lít cồn hoặc lít sản phẩm) hoặc thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tương đối và thuế tuyệt đối). Mặt khác, ở Việt Nam hiện còn thiếu các nghiên cứu định lượng nhằm chỉ ra mô hình thuế nào là phù hợp, giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu chính sách và quan trọng hơn, tác động của mô hình đó đối với giảm mức tiêu thụ ra sao, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách như thế nào.
Trong nghiên cứu này, CIEM đã thực hiện kiểm chứng hiệu quả của phương pháp đánh thuế hỗn hợp so với thuế tương đối tại Việt Nam thông qua các tính toán định lượng dựa trên mô hình thuế của Đại học Charles Sturt (Úc), nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Nghiên cứu Rượu Quốc tế (IWSR).
Kết quả nghiên cứu chỉ ra tính ưu việt của mô hình thuế hỗn hợp – kết hợp phương pháp thuế tương đối trên giá bán buôn và phương pháp thuế tuyệt đối trên từng lít sản phẩm tiêu thụ hoặc lít cồn nguyên chất – so với phương pháp thuế tương đối hiện hành trong việc giảm tiêu thụ đồ uống có cồn gây hại, ổn định nguồn thu ngân sách. Cụ thể, phương pháp thuế hỗn hợp sẽ giúp tăng thu ngân sách khoảng 25% so với phương pháp thuế tương đối hiện hành và mức tiêu thụ toàn ngành sẽ giảm 5%.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ludovic Ledru, đại diện Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh – Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, “mô hình đánh thuế theo phương pháp thuế tương đối không đảm bảo công bằng giữa sản phẩm chất lượng cao và chất lượng thấp; thậm chí còn khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ với nồng độ cồn từ trung bình đến cao. Thay vì các chính sách nhằm thúc đẩy chính thức hóa sản xuất của khu vực phi chính thức như đơn giản hóa quy trình đăng ký để được cấp giấy phép, việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt sẽ càng không khuyến khích các nhà sản xuất rượu phi chính thức đăng ký kinh doanh nhằm trốn thuế, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.”
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: "Việc lượng rượu phi chính thức đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam “vừa thiệt thòi cho ngân sách nhà nước, vừa nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng”. Vì vậy, cần tăng cường hiệu quả quản lý đối với khu vực đồ uống có cồn phi chính thức và kết hợp nhiều giải pháp chính sách khác ngoài thuế để hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn một cách hiệu quả".
Đại diện Hiệp hội Bia, Rượu, nước giải khát Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid – 19 và đang đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất gia tăng do xung đột tại Ukraine. Mong muốn của doanh nghiệp lúc này là Nhà nước ổn định chính sách thuế, trước mắt chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và nuôi dưỡng nguồn thu. "
Đi sâu vào phương pháp tính thuế với đồ uống có cồn, ông Trần Việt Thắng, Giám đốc tài chính của Công ty Moet Việt Hennessy Việt Nam cho rằng, chính sách thuế trong tương lai nên cân nhắc phương pháp tính thuế hỗn hợp như nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất bởi tính ưu việt của phương pháp này cũng như sự bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp.
Kết luận hội thảo, CIEM khuyến nghị Chính phủ nên ổn định môi trường chính sách trong những năm tới, đặc biệt là chính sách thuế, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau nhiều năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh quản lý khu vực phi chính thức sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách nhằm giảm lạm dụng đồ uống có cồn nói chung, tăng thu ngân sách, và vẫn đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Ngoài ra, trong tương lai dài hạn, nhằm phục vụ cho việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, báo cáo nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ cân nhắc áp dụng phương pháp đánh thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay vì thuế tương đối do tính ưu việt của mô hình thuế này trong việc giúp đạt được các mục tiêu chính sách cũng như phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam.