Nhà nước đầu tư hơn 154 nghìn tỷ đồng vào các doanh nghiệp trong 5 năm

NHVN 15:15 18/11/2021

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhà nước đầu tư hơn 154 nghìn tỷ đồng vào các doanh nghiệp. Năm 2020 doanh thu của các doanh nghiệp đạt gần 2 triệu tỷ đồng, lãi phát sinh trước thuế đạt 162 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Đề cương Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Hoạt động doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng

Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13), Luật số 69/2014/QH13 và hệ thống các văn bản pháp luật đã góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo các báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc trong các năm từ 2015 - 2019, số lượng DNNN có sự thay đổi giảm đáng kể từ 652 DNNN tại thời điểm 31/12/2015 xuống còn 491 DNNN tại thời điểm 31/12/2019 (giảm 161 DNNN).

Các DNNN đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô doanh nghiệp và có đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, DNNN vẫn tiếp tục đóng vai trò thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như: năng lượng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ viễn thông vẫn đang được các DNNN phát huy thế mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Doanh nghiệp nhà nước đã tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động.

Doanh nghiệp nhà nước đã tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động.

Về mặt xã hội DNNN đã tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua.

Thực trạng tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN trong giai đoạn 2015 - 2020: Tổng hợp theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 807 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, không bao gồm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (Bộ Công an) do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ; 44 doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa gửi báo cáo; các Ngân hàng thương mại nhà nước).

Tính đến hết năm 2020, 807 DNNN và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước có tổng tài sản là 3.674.627 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2019. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản. Trong đó khối các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (TĐ, TCT, Công ty mẹ - con) có tổng tài sản là 3.304.900 tỷ đồng, chiếm 80% tổng tài sản của các doanh nghiệp.Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là 1.717.379 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 1.509.754 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019, chiếm 88% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp.

Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 807 doanh nghiệp là 1.597.754 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2019. Trong đó: doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.445.877 tỷ đồng và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp là 151.522 tỷ đồng.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 1.986.873 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 1.754.614 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2019, chiếm 88% tổng doanh thu của các doanh nghiệp.

Lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp đạt 162.904 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện 2019. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 140.522 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019, chiếm 86% tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp.

Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của các doanh nghiệp là 307.869 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2019, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 76% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp). Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 262.332 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2019, chiếm 85% tổng số phát sinh phải nộp doanh nghiệp.

Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thu hẹp, không dàn trải

Bộ Tài chính đánh giá, phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được thu hẹp, không còn dàn trải và chỉ tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực: (i) Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu xã hội; (ii) doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; (iii) doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; (iv) doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016 - 2019, nhà nước đã đầu tư 138.443,45 tỷ đồng vào các doanh nghiệp (DNNN và công ty cổ phần, công ty TNHH 2 TV trở lên) theo phạm vi quy định tại Luật.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, năm 2016, nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, đầu tư thành lập mới tại 132 doanh nghiệp, với tổng số vốn đầu tư là 22.116 tỷ đồng; năm 2017, nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, đầu tư thành lập mới tại 132 doanh nghiệp, với tổng số vốn đầu tư là 61.477 tỷ đồng; năm 2018, nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, đầu tư thành lập mới tại 144 doanh nghiệp, với tổng số vốn đầu tư là 33.667,47 tỷ đồng;

Năm 2019, có 85 DNNN đang hoạt động được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với tổng số vốn đầu tư trong năm là 21.182,98 tỷ đồng (không đầu tư thành lập mới doanh nghiệp);

Năm 2020, tổng số doanh nghiệp (DNNN và công ty cổ phần) được đầu tư bổ sung vốn điều lệ là 94 doanh nghiệp theo 2 hình thức là đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động và đầu tư vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên với tổng số vốn đầu tư là 16.109,65 tỷ đồng. Trong đó có 61 doanh nghiệp nhà nước thuộc khối Bộ, cơ quan ngang Bộ và 33 doanh nghiệp (bao gồm 29 doanh nghiệp nhà nước và 4 công ty cổ phần) thuộc địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách về cổ phần hóa trong giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời theo đúng chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật của nhà nước; thường xuyên được tổng kết, sửa đổi để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn khi cổ phần hóa các DNNN đặc biệt là các quy định về xác định giá trị doanh nghiệp được hoàn thiện theo hướng xác định đầy đủ và chính xác hơn nhằm hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước...

Thực tế triển khai công tác cổ phần hóa từ năm 2016 đến hết năm 2020 đã có 171 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.090 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.719 tỷ đồng.

Cổ phần hóa thành công một số Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhiều DNNN quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp; Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex; Tổng công ty Thương mại Hà Nội...

Giai đoạn 2016 - 2020 cả nước đã thực hiện thoái 24.769 tỷ đồng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước tại các đơn vị, thu về 171.072 tỷ đồng (trong đó có khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Nguồn tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn đã được tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, sau đó được chuyển nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội. Từ năm 2016 đến năm 2020, đã chuyển 234.387 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN (đạt 93,75% Nghị quyết Quốc hội giao).

Các nguồn thu trên chưa bao gồm của UBND Tp.HCM và UBND TP Hà Nội được để lại theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Bộ Tài chính, từ khi Luật số 69/2014/QH13 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN đã được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp...

Từ khi Quốc hội ban hành Luật số 69/2014/QH13 và Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật, các Bộ ngành ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ thì công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới có bước đột phá đã tạo tiền đề cho phát triển thị trường chứng khoán, là kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế.

Luật số 69/2014/QH13 và hệ thống các văn bản pháp luật đã góp phần nâng cao tính hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DNNN; Phân định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; Người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; quy định cụ thể việc giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty kinh doanh có lãi, đóng góp số thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đã hình thành một cơ chế thu ngân sách nhà nước mang tính ổn định, lâu dài đối với phần lợi nhuận sau thuế còn lại của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Theo Tài chính doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nha-nuoc-dau-tu-hon-154-nghin-ty-dong-vao-cac-doanh-nghiep-trong-5-nam-d25614.html

Bạn đang đọc bài viết Nhà nước đầu tư hơn 154 nghìn tỷ đồng vào các doanh nghiệp trong 5 năm tại chuyên mục Chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính sách