Từ đầu tháng 9, Agribank đã miễn 100% phí dịch vụ thanh toán (bao gồm cả phí dịch vụ liên quan đến hoạt động cho vay) đối với tất cả khách hàng khi giao dịch tại quầy và trên các kênh ngân hàng điện tử.
Trước đó, ngân hàng này cũng đã chủ động triển khai miễn giảm các loại phí dịch vụ và lãi suất cho vay như miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước; miễn 100% phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa; giảm phí khi rút tiền chéo ngân hàng...
Nhiều ngân hàng giảm 100% phí dịch vụ thanh toán, giảm lãi suất thẻ tín dụng (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, VietinBank đang triển khai miễn giảm phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đối với các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, trang thiết bị, vật tư y tế... và miễn, giảm với một số phí dịch vụ khác như phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, chi lương, nộp ngân sách nhà nước...
Đối với khách hàng cá nhân, VietinBank áp dụng miễn giảm một số loại phí như phí chuyển tiền ngoài hệ thống tại quầy, phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7, phí thẻ ghi nợ nội địa, phí rút tiền mặt tại máy ATM...
Hay tại BIDV, từ nay đến cuối năm, ngân hàng này sẽ miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng BIDV SmartBanking qua kênh trực tuyến; miễn phí trọn đời 10 loại phí khi đăng ký sử dụng gói dịch vụ B-Free, trong đó miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; miễn phí chuyển tiền 24/7 trên ATM; giảm phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống.
Tương tự, HDBank đã công bố miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống không giới hạn, chuyển tiền nhanh tài khoản và số thẻ miễn phí dành cho tất cả khách hàng cá nhân đang sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán thông thường hoặc mở mới gói đặc biệt.
Để hỗ trợ hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có quyết định giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng, tạo tiền đề giúp các ngân hàng thương mại hỗ trợ miễn giảm phí thanh toán tốt hơn cho khách hàng.
Không thu phí chậm trả, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng?
Đối với thẻ tín dụng, các ngân hàng cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ khác nhau và linh hoạt với từng trường hợp:
Agribank cho biết từ kỳ sao kê tháng 8 đã chủ động giảm 10% lãi suất thẻ tín dụng xuống còn 11,7%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đây là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Tại Nam A Bank, trong ba kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9/2021, ngân hàng sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn.
Trong khi đó, VIB cho phép người sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng này rút tiền mặt thông qua máy ATM trong hệ thống VIB để chi tiêu trong kỳ không tính lãi, không tính phí rút tiền đối với những khách hàng có lịch sử nợ tốt.
Song, đối với hoạt động thanh toán bằng thẻ tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế khi chủ thẻ vẫn đang mong ngóng nhiều chính sách hỗ trợ hơn.
Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, tuy nhiên các khoản nợ thẻ tín dụng không nằm trong diện được ưu tiên giảm lãi suất hay được xem xét cơ cấu theo Thông tư 01, Thông tư 03. Trong khi đó, lãi suất và phí phạt chậm trả nợ đối với loại thẻ này vẫn còn cao.
Trước thực tế đó, mới đây, trong văn bản kiến nghị sửa đổi Thông tư 01, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã đề nghị cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo hiệp hội, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tăng sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết.
Ngoài ra, mặc dù đã thu hàng trăm đầu phí các loại, tổng giá trị thu của các nhà băng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD/năm, nhưng VNBA cho rằng các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và Mastercard không thể giảm phí hơn được nữa do chưa có sự chia sẻ với các ngân hàng tại Việt Nam.
Trước những bất cập trên, VNBA đề xuất các tổ chức thẻ quốc tế giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành, đơn giản hóa cơ chế thu phí để tránh tình trạng thu phí chồng phí,...