Đề nghị này được Bộ Tài chính đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi…
Trên thực tế, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước và nguồn dư thừa, nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Sau thép, thuế xuất khẩu clinker rất có thể sẽ tăng lên 10%. (Ảnh minh họa) |
Để quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu xi măng, Bộ tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công thương và Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Quyết định 1266/2020/QĐ-TTg.
“Việc tăng xuất khẩu clinker còn làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam đang sử dụng điện với giá thấp”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Theo báo cáo thường niên của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn (tính theo 80% clinker + 20% phụ gia). Thực tế, có thể sản xuất khoảng 122 triệu tấn xi măng (70% clinker + 30% phụ gia).
Sản lượng tiêu thụ nội địa những năm gần đây hầu như không tăng trưởng, riêng năm 2020 đã sụt giảm 3 triệu tấn so với năm 2019, nhưng do xuất khẩu tăng mạnh nên ngành vẫn đạt con số tiêu thụ trên 100 triệu tấn.
Cụ thể, năm 2015 tiêu thụ nội địa đạt 55,68 triệu tấn, năm 2016 đạt 59,34 triệu tấn, năm 2017 nhích nhẹ lên 60,27 triệu tấn, năm 2018 đạt 63,94 triệu tấn, năm 2019 đạt xấp xỉ 65 triệu tấn, nhưng đến năm 2020 giảm 3 triệu tấn, còn 62,12 triệu tấn.
Hiện nay, sản lượng clinker và xi măng được điều chỉnh phù hợp với tốc độ tiêu thụ xi măng dựa trên tăng trưởng kinh tế và chiến lược phát triển ngành xây dựng, nhưng nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục tăng cao do các nhà máy liên tục mở rộng sản xuất.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 33 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xuất khẩu clinker đạt 24 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 73%), xuất khẩu xi măng đạt 8,7 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 27%).
Để hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, mặt hàng clinker (nhóm 25.23, mã số 2523.10.10 và 2523.10.90) phải chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 cũng định hướng hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược nêu rõ, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế. Giai đoạn 2031 - 2050, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 20% tổng công suất thiết kế.
Những năm qua, việc XK mạnh các mặt hàng là tài nguyên không tái tạo này đã khiến các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý phải nhiều lần lên tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng: “Việt Nam đang bán rẻ tài nguyên”, “bán tài nguyên thô”, “đang đào tài nguyên lên bán”...
Do đó, việc điều chỉnh chính sách thuế là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc XK tài nguyên thô, chưa qua chế biến.
Theo Tài chính doanh nghiệp