Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Thường vụ Quốc hội đồng ý bố trí vào dự toán ngân sách để tiêm vaccine khoảng 14.000 tỷ đồng, cùng với Quỹ vaccine hiện nay 8.000 tỷ đồng, gần đủ tiêm cho 75 triệu dân, mỗi người hai mũi.
Ông nhấn mạnh, việc tiêm chủng vaccine cho toàn dân là quyết sách của Bộ Chính trị và Chính phủ đang triển khai quyết liệt. Trong bối cảnh hiện nay, vaccine và 5K là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định dùng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020 để mua vaccine Covid-19.
Theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, kinh phí mua vaccine gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ, tài trợ, của các tổ chức, cá nhân và do các tổ chức, cá nhân tiêm vaccine tự nguyện chi trả.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nguồn tiền để dành mua vaccine hiện đã có khoảng 22.000 tỷ đồng, tức gần đủ để tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 cho 75 triệu dân. Ảnh nguồn Lâm Hoài |
Hiện, với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu người của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ước cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Số liệu cập nhật từ Ban quản lý quỹ vaccine, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân đóng góp vào quỹ là 7.523 tỷ đồng tính đến ngày 24/6. Khoản tiền các đơn vị, tổ chức cam kết ủng hộ quỹ nhưng chưa chuyển hoặc mới chuyển một phần, gần 579 tỷ đồng. Số tiền người dân ủng hộ quỹ vaccine qua tổng đài 1408 là hơn 95 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì Covid-19, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kịp thời, như giảm thuế, giãn hoãn thuế đến 31/12/2022. Cán bộ y tế trực tiếp tiêm vaccine được nhận phụ cấp đặc thù; chính sách miễn, giảm giá tiền điện đợt 3 vì Covid-19...
Chiều 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cùng tham dự cuộc điện đàm có ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO.
Trong không khí thân mật, cởi mở, thiện chí và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề cụ thể và thực chất để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới trong nỗ lực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống đại dịch COVID-19, nhất là vấn đề vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao quan hệ hợp tác và những hỗ trợ quý báu của Tổ chức Y tế thế giới đối với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong suốt 45 năm qua. Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực hợp tác y tế toàn cầu, đánh giá cao vai trò của WHO và cá nhân Tổng Giám đốc trong điều phối hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có phòng chống COVID-19, thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có WHO, và sự ủng hộ, chung tay hành động của người dân nên đã đạt được kết quả tích cực bước đầu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành của Việt Nam hiện nay do biến chủng mới, Thủ tướng đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine tiếp theo của chương trình COVAX đã cam kết, khẳng định sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, kịp thời và an toàn. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương; nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Tổng Giám đốc về việc cử chuyên gia WHO hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao thành công của Việt Nam trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là với các biện pháp chủ động và sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình, sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần vào nỗ lực phòng chống dịch để Việt Nam trở thành mô hình chống dịch hiệu quả trên thế giới, được WHO nghiên cứu phổ biến rộng rãi. Ông cũng cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong phòng chống dịch, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX, và đặc biệt cảm kích trước việc Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp, thành công cho nhân viên Liên Hợp Quốc nhiễm COVID-19 vừa qua.
Tại cuộc điện đàm, Tổng Giám đốc WHO chia sẻ thông tin về việc nguồn cung vaccine hiện đang thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9/2021 do tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở các khu vực cũng như tình trạng tích trữ vượt quá nhu cầu ở một số nước, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của COVAX cũng như khả năng tiếp cận vắc xin của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Tedros ghi nhận các đề nghị của Việt Nam sẽ được ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vaccine cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực; khẳng định sẽ cử các chuyên gia WHO vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Tổng Giám đốc khẳng định Tổ chức Y tế thế giới sẽ quan tâm và làm hết sức mình để ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam cũng như sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Kinh tế chứng khoán Việt Nam