Tìm điểm cân bằng cho lãi suất

NHVN 11:15 05/10/2022

Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động tăng sẽ tạo sức ép tăng lãi suất cho vay. Trong khi NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩn

Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng, hầu hết các NHTM đã công bố biểu lãi suất huy động mới, trong đó lãi suất huy động không chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn, mà cả các kỳ hạn dài. Chẳng hạn VPBank vừa tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng lên 4,8%/năm; trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng tăng từ 5,8% lên 6,6%/năm; lãi suất huy động 12 tháng tăng từ 6,2% lên 7%/năm.

Các ngân hàng lớn Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cũng đồng loạt công bố biểu lãi suất huy động mới, với mức tăng khoảng 0,8% đến 1%/năm so với trước. Đơn cử tại Vietcombank lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng được niêm yết ở mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,4%/năm...

tim diem can bang cho lai suat
Ngân hàng nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay

Chia sẻ lý do tăng lãi suất, bà Phùng Hải Yến - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, sau khi nhận được quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, Vietcombank đã rà soát lại các mức lãi suất huy động đảm bảo tuân thủ đúng quy định của NHNN và phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như định hướng kinh doanh của Vietcombank.

Theo báo cáo của CTCK VNDirect, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30 - 50 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi 12 tháng bình quân của nhóm NHTM dự kiến tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022.

Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động tăng sẽ tạo sức ép tăng lãi suất cho vay. Trong khi NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đao của Chính phủ. Vì vậy, ngân hàng cần phải cân đối nguồn vốn phù hợp để đảm bảo đầu ra ổn định.

Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phùng Hải Yến cho biết, mặc dù điều chỉnh tăng lãi suất huy động, song định hướng của Vietcombank trong thời gian tới vẫn tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Thời gian qua, ngân hàng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ khách hàng đồng thời cơ cấu nguồn vốn huy động một cách tối ưu. Ngoài ra, ngân hàng phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ phi tín dụng nhằm tăng doanh thu về dịch vụ, tiết giảm chi phí hoạt động.

Trong khi Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, ngân hàng đã cân đối để điều chỉnh không tăng lãi suất bằng mức trần 1% của NHNN mà tùy theo tình hình, diễn biến của thị trường để xem xét một mức tăng hợp lý. “Thông thường khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng tăng tương ứng, nhưng TPBank cũng cố gắng để hài hòa quyền lợi giữa ngân hàng và khách hàng; tiết giảm chi phí, tìm kiếm các nguồn vốn và cơ cấu vốn một cách hợp lý để chi phí vốn thấp, tạo tiền đề tăng lãi suất một mức hợp lý và thấp nhất để không gây ảnh hưởng tới khách hàng”, ông Nguyễn Hưng thông tin thêm.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lớn đến mặt bằng lãi suất cho vay. Mặc dù hiện Chính phủ và NHNN đã có chủ trương ổn định lãi suất cho vay, nên các NHTM không thể tăng mạnh lãi suất cho vay, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, mà phải tiết giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực không phải ưu tiên, lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp cũng xác định tâm lý lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng. Song tăng lãi suất là điều khó tránh trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày một lớn.

Giám đốc một công ty về vật liệu xây dựng cho hay, khoản vay của công ty này sắp tới kỳ đáo hạn, nếu tiếp tục được vay, ông cũng lường trước lãi suất cho vay không còn rẻ như trước nữa. Dù mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục ổn định ở mức thấp để doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí trong bối cảnh nền kinh tế mới phục hồi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, song vị này cũng cho rằng, giữ được lạm phát ở mức thấp mới là điều quan trọng nhất với người dân. Hơn ai hết, các doanh nghiệp ngành xây dựng hiểu rõ nhất “bão giá” nguyên vật liệu thời gian qua. “Do vậy, để khắc phục khó khăn, doanh nghiệp đang cơ cấu lại nguồn vốn cũng như sắp xếp lại các dự án thay vì triển khai cùng lúc nhiều dự án như trước. Chúng tôi sẽ tập trung vào một số dự án sắp hoàn thành, rồi mới triển khai tiếp để tiết kiệm vốn”, vị giám đốc trên cho biết thêm.

Có thể nói, ổn định lãi suất cho vay là mong muốn của doanh nghiệp, cũng như của Chính phủ và cả chính các ngân hàng. Vì doanh nghiệp có khoẻ ngân hàng mới mạnh. Giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng là bài toán khó của ngành Ngân hàng. Theo TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất huy động tăng khiến chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng tăng. Giá vốn tăng thì giá bán phải tăng. Còn muốn giá bán thấp như kỳ vọng thì phải kết hợp nhiều chính sách khác.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng thừa nhận, lãi suất huy động tăng sẽ tạo sức ép tăng lãi suất cho vay. Vấn đề là các ngân hàng tăng như thế nào cho hợp lý để mặt bằng lãi suất không bị tăng quá nhanh. Vì lãi suất cho vay thực cao khiến người cần vốn không dám vay vốn, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch. “Dẫu biết các ngân hàng đối mặt nhiều khó khăn, nhưng Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các hội viên cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp...”, TS. Hùng chia sẻ.

TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, với chính sách tiền tệ coi trọng ổn định vĩ mô, mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới sẽ nhích từ từ, chứ không tăng mạnh. “Những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới đang gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nền tảng nội tại của nước ta vẫn rất tốt và Chính phủ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm”, TS. Huân kỳ vọng.

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/tim-diem-can-bang-cho-lai-suat-131817.html

Bạn đang đọc bài viết Tìm điểm cân bằng cho lãi suất tại chuyên mục Chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính sách