Ngân hàng giảm giá mua - bán USD
Ngày 15/12, Vietcombank niêm yết giá mua USD tiền mặt ở mức 23.010 đồng/USD, giá mua chuyển khoản là 23.040 đồng/USD, trong khi giá bán ra là 23.220 đồng/USD. Các mức giá này không thay đổi so với ngày 14/2, tuy nhiên nếu so với cách đây 1 tháng, giá mua – bán USD của Vietcombank đã giảm khoảng 50 đồng/USD. Thậm chí so với cuối năm trước, hiện giá bán ra USD của Vietcombank vẫn thấp hơn 10 đồng, trong khi giá mua vào giảm tới 100 đồng.
Tương tự, giá mua – bán USD tại các ngân hàng khác cũng đang được niêm yết ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Đơn cử, hiện giá mua - bán USD của VietinBank đang được niêm yết ở mức 22.992/23.222 đồng/USD; của BIDV là 23.040/23.220 đồng/USD. Tại Eximbank giá mua vào USD tiền mặt cũng chỉ là 23.030 đồng/USD, mua chuyển khoản 23.050 đồng/USD, bán ra 23.210 đồng/USD. ACB cũng niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.030/23.210 23.030; riêng USD lẻ ACB mua giá tiền mặt chỉ ở mức 22.640 đồng/USD (loại mệnh giá 1 và 2 USD), các mệnh giá như 5, 10, 20 đồng USD ACB niêm yết thu vào với giá 22.660 đồng/USD.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào các ngân hàng giảm giá mua, bán USD trong mấy tuần gần đây |
Nhìn chung, ngoài đợt biến động nhẹ hồi cuối tháng 3, tỷ giá trong nước luôn trong trạng thái ổn định. Thậm chí từ đầu tháng 11 đến nay, tỷ giá liên tục có xu hướng giảm nhẹ và theo sát tín hiệu điều hành của NHNN. Bằng chứng là từ đầu tháng 11 đến nay, tỷ giá trung tâm cũng liên tục được điều chỉnh giảm, từ mức 23.201 đồng/USD xuống còn 23.144 đồng/USD như hiện tại. Thậm chí hiện tỷ giá trung tâm còn thấp hơn thời điểm cuối năm trước khoảng 11 đồng/USD.
Hội tụ nhiều nguyên nhân
Giá mua - bán USD giảm trong thời điểm cuối năm là một điều khá lạ bởi nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao trong những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa chuẩn bị tết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc tỷ giá trong nước giảm trong thời gian qua là do hội tụ nhiều yếu tố.
Thứ nhất năm nay do ảnh hưởng Covid-19 khiến sức cầu thế giới và cả trong nước sụt giảm, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cũng không lớn. Quả vậy số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 chỉ ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước; tính chung 11 tháng kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ tăng có 1,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 234,5 tỷ USD. Đặc biệt, dịch bệnh đã làm “đóng băng” các hoạt động du lịch quốc tế càng khiến nhu cầu ngoại tệ sụt giảm.
Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ trong nước hiện đang rất dồi dào khi mà cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng thặng dư tới 20,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, giải ngân vốn FDI 11 tháng cũng đạt 17,2 tỷ USD. Trong khi nguồn kiều hối chuyển về nước được dự báo cũng chỉ giảm nhẹ bất chấp đại dịch Covid-19, như thị trường TP.HCM dự báo kiều hối năm 2020 có thể đạt 5,5 tỷ USD giảm khoảng 0,82% so với năm ngoái. Ngoài ra còn nguồn giải ngân vốn ODA…
Thứ hai, hiện đồng USD trên thị trường thế giới cũng đang trong xu hướng giảm sau các chính sách nới lỏng của Fed. Theo đó, hiện chỉ số USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác chỉ đứng ở mức 90,75 điểm, giảm gần 3,6% so với thời điểm đầu tháng 11. Còn so với mức đỉnh 3 năm được thiết lập hôm 20/3, hiện chỉ số USD đã giảm hơn 11%.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi nói trên, không thể không nhắc tới vai trò điều hành của NHNN. Theo các chuyên gia, không chỉ năm nay mà tỷ giá trong nước liên tục được duy trì ổn định trong mấy năm gần đây bất chấp nhiều biến động bất thường trên thị trường thế giới. Có được điều đó là nhờ cơ chế điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt của NHNN với cơ chế tỷ giá trung tâm có tăng, có giảm theo sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới nên đã giảm thiểu được tâm lý găm giữ ngoại tệ. Bên cạnh đó, việc lãi suất tiền gửi USD được giữ ở mức 0% càng gia tăng vị thế cho VND.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tỷ giá ổn định suốt từ đầu năm đến nay có công rất lớn từ các chính sách liên quan đến ngoại hối, như chính sách lãi suất huy động USD 0% đã cắt đứt động thái găm giữ ngoại tệ trên thị trường mà nhiều năm trước đây thường xảy ra.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, tỷ giá giảm là cơ hội để NHNN mua vào thêm một lượng lớn ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối dồi dào một mặt gia tăng khả năng chống chịu cho nền kinh tế trước những cú sốc từ bên ngoài; mặt khác nó cũng nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đó còn là nguồn lực quan trọng giúp NHNN ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá.
Hiện nhiều dự báo cho thấy đồng bạc xanh còn có thể giảm tiếp trong thời gian còn lại của năm và cả năm tới khi mà Fed cam kết sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở sát 0%, cũng như tiếp tục triển khai chương trình mua vào tài sản để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch Covid. Trong khi nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế tiếp tục dồi dào. Với tất cả những điều đó, nhiều tổ chức dự báo, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. “Tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi ngang do nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì dồi dào mặc dù cầu ngoại tệ thường cao hơn trong giai đoạn cuối năm”, Công ty chứng khoán KB dự báo.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Từ đầu năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô đặc biệt tỷ giá ổn định trong suốt những tháng qua. Tỷ giá ổn định đảm bảo cho DN yên tâm làm ăn trong thời gian tới. Tỷ giá ổn định còn giữ cho hệ thống tài chính – ngân hàng vững chắc trong dịch bệnh. Điều này là một kết quả khá tốt trong điều hành chính sách tiền tệ. Bởi hầu hết cuộc khủng hoảng nếu ảnh hưởng vào hệ thống tài chính – ngân hàng thì nền kinh tế sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới chữa lành vết thương. Nhưng bất chấp cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn ổn định, thanh khoản dồi dào và NHNN có dư địa chính sách thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất hỗ trợ DN. |