Chuyển dịch kênh đầu tư
Mấy năm gần đây, chị Đỗ Thị Thu Hương (Láng Hạ, Hà Nội) là khách hàng thân thiết, thường xuyên gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại CP Kỹ thương Việt Nam. Thế nhưng từ hai tháng nay, khi lãi suất huy động giảm, chị Hương đã tìm kênh đầu tư mới là trái phiếu doanh nghiệp.
Chị Hương cho biết đã chọn mua trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản lớn với mức lãi suất cao gấp 2 lần so với lãi suất khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Sức hấp dẫn của lãi suất đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân chuyển từ gửi tiết kiệm tiền ngân hàng sang trái phiếu doanh nghiệp. Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group phát hành trái phiếu Happy18 Bond hiện đang có mức lãi suất dẫn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp cao tới 18%/năm. Tiếp đến là Công ty cổ phần City Garden lãi suất trái phiếu 13,3%/năm. Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La... huy động trái phiếu với lãi suất 13%/năm.
Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 8/2020 đã có tổng cộng 38.399 tỷ đồng được doanh nghiệp Việt huy động qua kênh trái phiếu, trong đó các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu với giá trị phát hành 11.670 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 30% trong tổng giá trị phát hành. Các tổ chức tín dụng đứng thứ hai với 10.038 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 26%.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước cho thấy sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu theo đúng định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn cho kênh tín dụng ngân hàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh về quy mô. Tính đến cuối tháng 7/2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng ở mức tương đương 11,2% GDP năm 2019.
Coi chừng rủi ro mất vốn
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chuyển đổi kênh đầu tư từ gửi tiết kiệm ngân hàng sang trái phiếu doanh nghiệp hưởng lãi suất cao là hiện tượng đáng lo ngại.
“Việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ồ ạt trong thời gian vừa qua và tìm cách để trái phiếu của mình hấp dẫn bằng cách đẩy lãi suất cao gần tới 20% dễ là bẫy rủi ro đối với các nhà đầu tư riêng lẻ. Nhiều người không có khả năng phân tích tài chính, không biết nhà phát hành có khả năng trả nợ hay không”, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo lắng.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Trí Hiếu, ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định, việc phát triển nhanh thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng kèm theo rủi ro lớn. Cụ thể, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường.
Về phía các nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp an toàn, nhà đầu tư cần có khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Doanh nghiệp đó phải có báo cáo tài chính ba năm liên tiếp được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập, nếu cuối năm liền kề quá xa cần phải có báo cáo tài chính giữa kỳ đã được soát xét.
“Nhà đầu tư cần phải có khả năng phân tích tín dụng, xem từng chỉ số, đòn bẩy tài chính, vòng quay của vốn, lợi nhuận… để thấy được doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng trả nợ hay không. Nếu không có khả năng phân tích, nhà đầu tư cần dựa vào sự tư vấn của công ty tư vấn, công ty tài chính để biết sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành”, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết: “Trước hiện tượng một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chúng tôi đã cung cấp thông tin để Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý, giám sát việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý việc phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán”.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra liên bộ để kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ, đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Trước đó, Bộ Tài chính đã thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khung khổ pháp lý để giúp các nhà đầu tư, các đối tượng tham gia thị trường nắm bắt và tuân thủ quy định của pháp luật, phòng ngừa rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc về các rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thận trọng đối với việc chào mời và cam kết của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi phân phối trái phiếu doanh nghiệp.