Nhiều áp lực lên mặt bằng lãi suất
Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Hội nghị họp bàn thống nhất với các NHTM về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ tại hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA cho biết, trong 2 tháng vừa qua, nhờ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời của NHNN, thị trường ngoại tệ, tỷ giá bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9 - 10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm. Việc lãi suất huy động tăng liên tục gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.
Theo đại diện VNBA nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa giảm là do một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng; giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó. Ngoài ra, các TCTD chịu áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022 và theo lộ trình tháng 10/2023 sẽ giảm tiếp tục xuống 30%, dẫn đến các NHTM đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định…
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của tất cả các NHTM đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm. Trong khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN; đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.
Do đó, tại hội nghị này VNBA đã kêu gọi các TCTD thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, đặc biệt, mức 9,5% này phải bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm. Việc làm này sẽ giúp các TCTD có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm từ 0,5-2%/năm. Đồng thời sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các TCTD.
Đồng thuận giảm lãi suất
Mặc dù áp lực tăng lãi suất từ thế giới là không nhỏ, nhưng đại diện nhiều ngân hàng cũng thống nhất sẽ cố gắng kiềm chế đà tăng của lãi suất. Đại diện NamABank cho biết, ngân hàng quán triệt tinh thần chỉ đạo của NHNN,
đồng thuận với các TCTD và VNBA về việc duy trì lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm. Ngoài tiết giảm chi phí đầu vào, ngân hàng cắt giảm một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-2%/năm tùy kỳ hạn, lĩnh vực. Tuy nhiên, để ngân hàng có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng, đại diện NamABank bày tỏ mong muốn NHNN tăng cường hỗ trợ trên thị trường OMO, đặc biệt là duy trì các kỳ hạn dài hơn, quy mô lớn, tạo thanh khoản ổn định cho hệ thống.
Ở khối NHTM Nhà nước, Phó Tổng giám đốc BIDV Nguyễn Thiên Hoàng cũng bày tỏ sự thống nhất quan điểm chỉ đạo của NHNN, VNBA về việc giảm lãi suất đầu vào. Còn lãi suất đầu ra các NHTM Nhà nước sẽ bàn bạc để đưa ra mức lãi suất tốt cho thị trường. Ngoài ra, lãnh đạo BIDV cũng đề xuất NHNN hỗ trợ thanh khoản tối đa trên kênh OMO và tái cấp vốn cũng như đánh giá xem xét linh hoạt tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) trong điều kiện huy động vốn khó khăn để các NHTM có thêm điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, đến nay đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, đến nay đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm. |
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cũng khẳng định, Agribank hoàn toàn đồng thuận và đang cố gắng tiết giảm chi phí, giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. “Chi phí đầu vào lớn nhất của ngân hàng là chi phí huy động vốn. Việc tiết giảm chi phí hoạt động giới hạn. Do đó, ngân hàng mong muốn cố gắng duy trì mức lãi suất như cam kết, nếu có điều kiện thì giảm thêm. Có như vậy, mới có điều kiện hỗ trợ khách hàng nhiều hơn”, bà Phượng bày tỏ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao tinh thần đồng thuận của các TCTD, đồng thời biểu dương một số NHTM đã có những cam kết bằng hành động khi vừa thực hiện giảm lãi suất, triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó góp thêm sự ủng hộ của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế. Phó Thống đốc cho biết, NHNN luôn chỉ đạo các NHTM quan tâm và tạo điều kiện một cách tối đa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM xây dựng lại kế hoạch từ nay đến Tết Nguyên Đán. Ngân hàng nào đã cam kết giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động thì thực hiện đúng và nghiêm túc; những ngân hàng chưa cam kết thì sau hội nghị này khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản cam kết theo tinh thần kêu gọi của VNBA. Đồng thời, các NHTM công khai cam kết giảm lãi suất; Tiếp tục giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất.
“Các NHTM giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí; Tiếp tục quan tâm giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế… Các NHTM coi đây là trách nhiệm của ngân hàng mình”, Phó Thống đốc lưu ý và khẳng định. NHNN luôn hỗ trợ các TCTD vốn ngắn hạn cũng như vốn trung, dài hạn; đồng thời đảm bảo thanh khoản cho các NHTM. NHNN sẽ theo dõi tất cả các hoạt động trên thị trường 2 để đánh giá thêm tính trách nhiệm, hệ thống của các NHTM. Các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để NHNN có thêm điều kiện xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại, phân loại…