Thống kê cho thấy, vai trò của các cổ phiếu ngành ngân hàng ngày càng tăng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
NHÓM NGÂN HÀNG VỐN HÓA LỚN NHẤT THỊ TRƯỜNG
Trong vòng 1 tháng qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có mức tăng giá 11,5% và là ngành có mức tăng cao thứ 6 và đang vượt qua các chỉ số VN-Index, VN30.
Tính từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng vượt quá kỳ vọng. Nổi bật phải kể đến SHB, cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội đã tăng trên 200%, đưa thị giá cổ phiếu lên hơn 17.000 đồng/cổ phiếu sau một thời gian dài nằm dưới mệnh giá. Cùng với ACB, SHB cũng rục rịch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE.
Hai cổ phiếu khác cũng có mức tăng trên 50% từ đầu năm đến nay là CTG (60,4%) và STB (55,88%). Dù trong ngành cũng không hiếm những cổ phiếu đang có thị giá thấp hơn hồi đầu năm tuy nhiên số lượng cổ phiếu có giá trị tăng trong năm qua vượt trội hơn hẳn với tỷ lệ 13 cổ phiếu tăng/7 cổ phiếu giảm.
Nhờ đó, tỷ trọng của nhóm ngân hàng đóng góp vào toàn thị trường chứng khoán được cải thiện đáng kể.
Nếu như vào cuối năm 2019, nhóm các ngân hàng chiếm 26,39% vốn hóa toàn thị trường thì đến cuối tháng 11 vừa qua, con số này đã tăng lên 28,52%.
Đây là ngành có tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu vốn hóa thị trường. Trên mặt bằng nền kinh tế chịu nhiều biến động năm vừa qua, việc gia tăng tỷ trọng là một yếu tố cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chống chịu tốt trước các cú shock kinh tế, đặt bên cạnh các nhóm ngành như bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, tiện ích đều có tỷ trọng giảm càng cho thấy thành quả đáng ghi nhận trên.
Cũng cần nhắc đến, trong giai đoạn nửa cuối năm, việc tấp nập lên sàn của các ngân hàng đã đóng góp không nhỏ vào việc tăng tỷ trọng của ngành trên thị trường chứng khoán.
Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 9/12, sau khi đón ACB quay lại thị trường chứng khoán sau 1 tuần tạm ngưng để chuyển sàn, tổng vốn hóa của 21 ngân hàng trên sàn chứng khoán ở mức 1.171.498 tỷ đồng.
Trước đó, UPCoM đã chào đón thêm 3 cổ phiếu mới là BVB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt), SGB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương) và NAB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á). Mới đây, NamABank cũng vừa cho biết sắp tới sẽ đưa 456 triệu cổ phiếu NAB lên niêm yết trên HoSE.
Sắp tới đây, sự xuất hiện nằm trong kế hoạch của MSB, OCB, SeABank càng củng cố vai trò của nhóm ngân hàng trên sàn. Ngoài ra, làn sóng chuyển sàn của một số nhà băng cũng được kỳ vọng mang lại tiềm năng tăng giá tốt hơn so với hiện tại.
LỢI NHUẬN DỰ BÁO KHẢ QUAN
Thông tin tích cực đến với các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhiều chuyên gia phân tích đều cho biết những con số khả quan đối với triển vọng kết quả kinh doanh của ngành này.
Một báo cáo chi tiết của FiinGroup mới đây đánh giá: "Với việc kiểm soát được dịch bệnh và kinh tế hồi phục, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan trong quý 3/2020 và dự đoán sẽ tiếp tục trong quý 4/2020".
Theo dự đoán đó, trong quý 4, NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động còn lãi vẫn tăng trưởng so với quý 3/ 2020, trong khi CIR cũng tăng trong quý cuối cùng như những năm trước. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ cân đối kết quả kinh doanh với việc trích lập dự phòng trong quý 4 để phần nào dự trù cho tương lai khi Thông tư 01 hết hiệu lực.
Vì vậy, với điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, FiinGroup dự đoán lợi nhuận sau thuế của 21 ngân hàng niêm yết sẽ tăng 10,2% so với năm 2019, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng các năm trước nhưng vẫn là mức khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo dự đoán là suy giảm so với năm trước.