Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ các CTCK hành động như vậy do dòng vốn đi theo hướng… hỗ trợ nội bộ. Trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng đang có dấu hiệu mỏng dần, đặc biệt một số tổ chức đã phải tăng vay mượn trên thị trường liên ngân hàng, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao trong tháng 5, thì việc các ngân hàng tăng phát hành trái phiếu sẽ giúp họ có nguồn vay trung- dài hạn nhằm bổ sung vốn lưu động, phục vụ kinh doanh ổn định hơn.
-- |
Về phía CTCK, không loại trừ việc mua trái phiếu ngân hàng lãi suất rất thấp sẽ giúp họ có thể sẽ vay ngược lại ngân hàng với tài sản đảm bảo thế chấp là trái phiếu của chính ngân hàng đó. Mức lãi suất cũng sẽ được thỏa thuận ở mức thấp tương đương hoặc nhỉnh hơn khoản lãi trái phiếu nhưng về cơ bản, biên độ chênh lệch sẽ rất hẹp. Đây chính là cách để ngân hàng vừa tăng được nguồn vốn chi phí thấp, vừa có khách vay đảm bảo khả năng trả nợ, còn các CTCK cũng được vay giá rẻ.
Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính, không thể xác định chính xác được đúng đây là hình thức "mỡ nó rán nó" hoặc giúp đẩy vốn vào chứng khoán, khiến dòng tiền trên thị trường tăng hay không, bởi theo quy định hiện tại, tổ chức phát hành sẽ không phải công khai cụ thể danh tính nhà đầu tư mua trái phiếu; nhưng rõ ràng không thể phủ nhận mối quan hệ đang rất cụ thể trong hoạt động phát hành trái phiếu lãi suất thấp của ngân hàng với CTCK.
"Điều này gây tác động nhất định tới kiểm soát dòng vốn thực trên thị trường và cần sự giám sát chặt mối quan hệ liên quan, liên thông từ cơ quan quản lý để tránh "bơm vốn" cho TTCK ngoài kiểm soát", ông Hoàn nói.