Vàng tăng giá mạnh
Sáng 8/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 79,8-81,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với giá đóng cửa hôm qua. Tuy nhiên đến 10h, giá giảm tiếp, được niêm yết tại 79,5-81,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Phiên 7/3, vàng miếng SJC tăng 800.000 đồng mỗi chiều so với giá mở phiên cùng ngày. Giá vàng nhẫn cũng lập kỷ lục mới, được niêm yết tại 66,85-68,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng ở chiều bán ra.
Vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới lập đỉnh lịch sử. Theo Kitco, giá vàng phiên 7/3 đạt 2.155 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm kim loại quý tăng tới 2.161 USD/ounce. Năm ngoái, mức cao nhất của vàng thế giới ghi nhận là 2.140 USD/ounce.
Dù lên đỉnh lịch sử, giá thế giới đang rẻ hơn trong nước khoảng 16,5 triệu đồng/lượng với vàng miếng và 3,5-4 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.
Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh |
Giá vàng tăng không ngừng sau bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong buổi điều trần trước Hạ viện Mỹ về việc giảm lãi năm nay.
Ông nói: "Nếu nền kinh tế diễn biến như dự tính, bắt đầu thay đổi chính sách vào một thời điểm nào đó trong năm nay sẽ là phù hợp. Dù vậy, triển vọng kinh tế còn chưa chắc chắn và khả năng lạm phát về 2% cũng vậy".
Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, các nhà đầu tư đặt cược khả năng Fed giảm lãi trong tháng 6 là 70%.
So với đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng gần 90 USD, tương đương mức tăng 4,4%.
Tai Wong - một nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York - cho rằng giá kim loại quý này có thể còn lên cao nữa khi tâm lý lạc quan đang thống trị. Vị này nói: "Vàng có thể mất thêm một thời gian nữa mới phản ánh hết tác động từ bình luận của chủ tịch Fed, cũng như báo cáo việc làm sẽ công bố ngày 8/3".
USD tự do rớt giá mạnh
Trong khi vàng tăng thì USD trên thị trường "chợ đen" giảm mạnh. Các đầu mối quy đổi ngoại tệ niêm yết giá USD tại 25.280-25.350 đồng/USD (mua - bán), giảm 200 đồng ở chiều mua vào và giảm 270 đồng ở chiều bán ra.
Phiên thứ 2 liên tiếp USD tự do rớt giá. Chỉ sau hai ngày, giá USD trên thị trường tự do đã "bốc hơi" hơn 300 đồng.
Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ giá trung tâm ở mức 24.017 đồng/USD. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.817 đồng đến 25.217 đồng.
Còn trên kênh giao dịch của các ngân hàng thương mại, giá bán USD chỉ quay đầu giảm nhẹ. Ngân hàng lớn niêm yết giá tại 24.480-24.850 đồng/USD (mua - bán). Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.480-24.950 đồng (mua - bán).
Trong khi đó, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - lùi về mốc 103,1 điểm, giảm tiếp 0,26% so với trước đó.
Theo: Dân trí