Tiền lệ từ bộ trưởng
Ngày 21/10/2022, việc Quốc hội biểu quyết miễn nhiệm chức Bộ trưởng GTVT với ông Nguyễn Văn Thể đã được nhiều người quan tâm, bàn luận. Trên thực tế, thời gian qua, không ít những cán bộ công quyền cấp thấp, hay cán bộ quản lý chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau.
Tuy nhiên, cá nhân xin rời vị trí lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược khi chưa phải nhận hình thức kỷ luật nào trong suốt 5 năm đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng như ông Thể có lẽ là trường hợp hiếm hoi, nếu không muốn nói là trường hợp đầu tiên ở nước ta trong khoảng ba thập kỷ gần đây. Ý nghĩa tích cực của sự kiện này là nó có thể tạo cơ sở cho sự hình thành thông lệ trong tương lai: cá nhân, dù ở bất kỳ vị trí nào, bất kỳ cấp độ nào trong hệ thống chính trị và chính quyền, chủ động xin rút lui khi thấy mình không còn phù hợp với công việc hiện tại.
Dù ít xảy ra nhưng tính từ khi thực hiện tiến trình đổi mới đến nay, chúng ta cũng đã từng chứng kiến một số trường hợp cán bộ cấp cao xin từ chức như cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ vào năm 2004, hay như ông Bạch Ngọc Chiến, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, xin nghỉ việc hồi đầu năm 2020. Cả hai trường hợp này đều tạo ra dư luận trái chiều, trước hết bởi sự "lạ lùng" trong bối cảnh nước ta, chứ chưa hẳn bởi những nguyên nhân dẫn đến quyết định "khác người" của họ. So với hai trường hợp nêu trên, ông Nguyễn Văn Thể còn đáng chú ý hơn bởi nếu muốn, ông vẫn hoàn toàn có thể tại vị cho đến hết nhiệm kỳ dưới sự bảo vệ của Hiến pháp và Pháp luật.
Có thể coi trường hợp Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chính là sự cụ thể hóa chủ trương gần đây của Đảng về khuyến khích cán bộ xin rút lui khi tự nhận thấy uy tín, phẩm chất, hay năng lực của mình không còn phù hợp với yêu cầu công việc. Chủ trương này đã được đề cập đến tại Hội nghị TW 4 khóa XII, hội nghị TW 4, khóa XIII, cụ thể hóa với Quy định số 41-QĐ/TW ban hành ngày3/11/2021, hay mới đây nhất là "Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử", ban hành ngày 18/8/2022. Trên bình diện chung, người dân cả nước hẳn sẽ ghi nhận và dành sự tôn trọng nhất định cho cá nhân ông Thể bởi ông đã dám thực hiện một quyết định vốn không phổ biến ở nước ta, xét trên cả bình diện logic hệ thống thể chế và logic hành vi cá nhân.
Vượt qua những ràng buộc
Dù ở bất kỳ xã hội nào, bất kỳ hệ thống chính trị và chính quyền nào thì tự giác xin rời vị trí công quyền chưa bao giờ là quyết định dễ dàng. Sự khó khăn của quyết định xin rút lui khỏi vị trí công quyền trước hết bắt nguồn từ những ràng buộc xã hội. Ở nước ta, làm quan thời xưa hay làm cán bộ hiện nay, phấn đấu để được đảm nhiệm các chức vị lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước đã trở thành sự nghiệp đời người của nhiều cá nhân. Một vị trí cao trong cơ quan công quyền không đơn giản chỉ bảo đảm lợi ích cho bản thân cá nhân và gia đình, mà còn là một chỉ báo có thể giúp gia tăng danh dự, uy tín, truyền thống của gia đình, dòng họ, cũng như địa phương nơi họ sinh ra. Rời bỏ vị trí khi không mắc lỗi gì nghiêm trọng tức là nhận phần thiệt lợi ích về mình, tạo ra những bất lợi, thậm chí tự chấm dứt sự nghiệp của mình trong tương lai, chịu sự dị nghị, bàn tán từ xã hội cho nên dễ hiểu vì sao rất ít cá nhân dám thực hiện.
Nếu nhìn vào đặc trưng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay thì những ràng buộc thể chế cũng là yếu tố không khuyến khích cá nhân tự giác rời bỏ vị trí lãnh đạo, quản lý. "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" là một nguyên tắc nền tảng, được áp dụng trong toàn bộ hệ thống quản trị quốc gia. Mọi quyết định quan trọng của đơn vị, dù ở cấp độ nào, cũng đều được thông qua bởi tập thể ban lãnh đạo. Vì là quyết định tập thể cho nên trách nhiệm trước hết cũng thuộc về tập thể ban lãnh đạo. Thực tế, kể cả khi gần đây Đảng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu thì cũng rất khó xem xét trách nhiệm hay đánh giá uy tín của cá nhân đứng đầu với những vi phạm hay kết quả hoạt động yếu kém của đơn vị. Do đó, một người đứng đầu bình thường thì sẽ không bị thúc ép phải rút lui hay từ chức để nhận hết về mình những hậu quả do sự yếu kém của tập thể ban lãnh đạo.
Với những ràng buộc căn bản nêu trên, từ chức hay xin rút lui khỏi vị trí đang đảm nhiệm là một hành động thể hiện tinh thần danh dự, liêm chính, lòng tự trọng, và ý thức tự giác cao độ. Những cá nhân như ông Nguyễn Văn Thể có thể thực hiện quyết định rút lui thì hẳn nhiên đã phải cân nhắc thấu đáo và đủ bản lĩnh để vượt qua những áp lực tâm lý, toan tính danh lợi vị kỷ, và dị nghị từ phía xã hội.
Thông lệ từ chức
Xét theo chiều hướng tích cực, ông Nguyễn Văn Thể đã góp phần nêu gương liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người dân bình thường có thể sẽ không bao giờ biết chính xác động lực nào khiến ông Thể xin rời vị trí Bộ trưởng. Những người quan tâm có thể chưa thực sự thỏa mãn khi ông xin rút lui vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, lựa chọn của ông vẫn là điều đáng khen ngợi trong bối cảnh nước ta bởi thực tế là cho đến hiện nay, vẫn rất ít cá nhân dám nghĩ tới, chứ chưa nói đến thực hiện trong sự nghiệp làm cán bộ nhà nước.
Sự kiện ông Nguyễn Văn Thể xin rời vị trí Bộ trưởng cũng khơi gợi trong mỗi cán bộ nhà nước ý thức đề cao các giá trị công phổ biến như: tự trọng, liêm chính, danh dự. Không cần ai thúc ép, nếu mỗi cá nhân luôn ý thức rõ ràng về các giá trị công nêu trên thì họ đều có thể rời bỏ vị trí một cách nhẹ nhàng, để giao lại nhiệm vụ cho người khác phù hợp hơn. Dù hình thức nào thì từ chức không phải, và không nên là cái gì đó quá ghê gớm. Xin nghỉ hay từ chức cần được coi như là lẽ thường tình mỗi khi ai đó cảm thấy không còn phù hợp với công việc của họ.
Trường hợp xin rút lui của ông Thể cũng chuyển tải thông điệp đáng suy nghĩ: mỗi cá nhân cán bộ bình thường nhất chứ không chỉ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng cần thay đổi nhận thức, để tự giác bàn giao lại vị trí và công việc cho người khác mỗi khi cảm thấy mình không còn phù hợp để hoàn thành tốt phận sự được giao. Không chây ì, cố đấm ăn xôi để cản trở người khác tiếp nhận công việc và hoàn thành tốt hơn mình cũng là một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm và đóng góp cho Nhà nước và cộng đồng.