Loạt lãnh đạo hiệp hội “kêu khó” với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

nguoiduatin 09:57 28/06/2022

Dù đi qua nửa năm 2022 với những kết kinh doanh khả quan, tuy nhiên, các DN của hầu hết các lĩnh vực vẫn đang gặp khó, mà chủ yếu đều liên quan đến giá xăng dầu.

Ngày 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022. Tại hội nghị, loạt lãnh đạo các hiệp hội đồng loạt gửi những kiến nghị, khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt đến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Doanh nghiệp xây dựng kêu khổ trăm bề

Là lãnh đạo hiệp hội đầu tiên phát biểu, ông Vũ Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nói rằng, trong tất cả các lĩnh vực thì ngành xây dựng “đang chịu khổ nhất, khổ trăm bề”.

Đưa ra lập luận này, ông Hiệp chỉ ra rằng, tất cả các chi phí đầu vào của ngành xây dựng từ sắt, thép, xi măng, cát, hay các loại chi phí vận chuyển như giá xăng, dầu… tất cả đều tăng chóng mặt.

Giá vật liệu xây dựng tăng quá cao nhưng chưa có biện pháp gì ngăn chặn và bù giá cho các nhà thầu. “Thú thật, bây giờ các nhà thầu hiện nay càng làm càng lỗ”, ông Hiệp nói.

Kinh tế vĩ mô - Loạt lãnh đạo hiệp hội “kêu khó” với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên hội nghị, lắng nghe tâm tư của các lãnh đạo hiệp hội ngành hàng (Ảnh: MPI).

Cũng theo ông Hiệp, nhân công lao động hiện nay trong ngành xây dựng đang rất khan hiếm. “Đặc điểm của ngành xây dựng là sử dụng nhiều lao động thời vụ, con số này chiếm tới 70%. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, số lượng lao động của nhóm này quay lại như được như số lượng ban đầu. Dù cho đơn giá cho nhân công đã tăng 30% nhưng vẫn không tìm kiếm được nguồn nhân lực”, Chủ tịch VACC cho hay.

Một vấn đề nữa được ông Hiệp đưa ra là doanh nghiệp xây dựng đang vướng luật phòng cháy chữa cháy khi tiêu chuẩn hiện cao hơn các nước phát triển, gần như cao nhất thế giới. Đã thế lại có quy định phải nhập khẩu độc quyền một số sản phẩm như sơn chống cháy, kính chống cháy…

“Doanh nghiệp xây dựng bây giờ không có cái gì là không phải trả tiền, ít nhất cũng 5%. Ngành xây dựng rất mong có một cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ, cứu cho ngành xây dựng”, ông Hiệp tâm tư.

Kinh tế vĩ mô - Loạt lãnh đạo hiệp hội “kêu khó” với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Hình 2).

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (Ảnh: MPI).

Tương tự, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng trở lại, doanh thu trong nhóm hầu hết là đóng góp từ du lịch nội địa. Tuy nhiên, việc thu hút khách quốc tế lại chưa có dấu hiệu tích cực.

“Tôi cảm thấy rất lo lắng khi chúng ta không đẩy nhanh du lịch quốc tế mà cứ làm sâu vào du lịch nội địa thì hệ thống du lịch của chúng ta sẽ bị thụt lùi”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, hiện giá xăng, giá điện, tất cả chi phí tăng lên đã kéo giá thành lên, điều này khiến nhiều khách sạn cố gắng hạ thấp giá xuống để cạnh tranh. Tuy nhiên, cách duy nhất là giảm chất lượng.

“Cách làm này là cách mà ngành du lịch không ai mong muốn”, ông Bình nói và cho rằng, cần phải có một giải pháp tích cực hơn để doanh nghiệp ngành du lịch không phải xuống giá một cách không cần thiết, cùng với đó, chính sách cho doanh nghiệp phải nhất quán, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sớm phục hồi bền vững trở lại.

Hàng tồn kho tăng, lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Còn ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng may mặc đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 19%, nhập khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đạt 13 tỷ USD, tính chung 6 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD.

“Mục tiêu toàn ngành trong năm 2022 là xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, trong đó 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 50% mục tiêu đề ra, nếu tình hình được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm thì khả năng ngành dệt may đạt được mục tiêu là rất lớn”, ông Cẩm nói.

Kinh tế vĩ mô - Loạt lãnh đạo hiệp hội “kêu khó” với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Hình 3).

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Ảnh: MPI).

Tuy nhiên, theo ông Cẩm, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa thể khẳng định được nhiều. Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%, cùng với đó giá xăng, dầu cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp dệt may đứng trước những khó khăn.

Trong khi đó, xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá cả leo thang, làm lạm phát tại một số thị trường tăng cao, ảnh hưởng đến cơ hội cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may…

Cũng chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp ngành da giày, túi xách, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng: Những tháng đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỉ lệ tồn kho cao (chiếm khoảng 40%), cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19.

Bên cạnh những khó khăn liên quan đến giá cả nguyên vật liệu, hàng tồn kho tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng, bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp còn đang đối mặt với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022.

Bởi người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng gây sức ép đòi tăng lương, tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp dựa trên mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 thì cho đến nay chưa có một doanh nghiệp điện tử nào được hưởng.

Kinh tế vĩ mô - Loạt lãnh đạo hiệp hội “kêu khó” với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Hình 4).

Bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Ảnh: MPI).

Từ những thách thức trên, để tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp, bà Hương đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi doanh nghiệp không thể vay ngân hàng khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Tại hội nghị, nhiều hiệp hội, ngành hàng khác như Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Hàng không Việt Nam... cũng đồng loạt kiến nghị việc cần nghiên cứu để tiếp tục giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu hơn nữa.

Bởi giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hoá nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời tác động đến những mặt hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và đời sống người lao động.

Liên quan đến chi phí logistics, nhiều ý kiến cho rằng, phí logistics của Việt Nam đang cao hơn một số quốc gia trên thế giới, do đó sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/loat-lanh-dao-hiep-hoi-keu-kho-voi-bo-truong-ke-hoach-va-dau-tu-a557842.html

Bạn đang đọc bài viết Loạt lãnh đạo hiệp hội “kêu khó” với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành